Lạnh buốt, hiu quạnh,... là trải nghiệm của những người hùng thầm lặng đo gió, đếm mưa ở trạm khí tượng thủy văn Sapa, vào những ngày mọi người, mọi nhà đang sum vầy đón Tết.
Đời quan trắc viên một nắng hai sương
Bước chân đến trạm khí tượng thủy văn Sapa (huyện Sapa, Lào Cai) ở độ cao 1.584m so với mực nước biển, ấn tượng đầu tiên của tôi là nó đối lập hoàn toàn với một thị trấn Sapa lộng lẫy, ồn ào ngoài kia. Trạm nằm ở vị trí thoáng đãng, tách biệt và thưa thớt nhà dân.
Giá rét hay lạnh buốt, những quan trắc viên vẫn miệt mài với công việc. |
Được thành lập từ năm 1959, đến nay những ngôi nhà xây bằng đá từ thời Pháp ở đây trông cũ kỹ, heo hút... Tôi tin chắc những người yếu bóng vía sẽ cảm thấy lạnh sống lưng khi đặt chân tới đây, chưa nói đến chuyện dám ở xứ này một mình những ngày vắng vẻ, lạnh lẽo mà nghe mưa ngóng trời. Nó khá giống một ngôi nhà ma trong những câu chuyện đâu đó tôi từng đọc.
Ấy vậy mà cứ đều đều 1h sáng, 4h sáng, ngày nắng thì ít ngày đông rét buốt thì nhiều, có những con người- tạm gọi là “người hùng thầm lặng”–cứ bước chân ra khỏi giường là với lấy cuốn sổ ghi chép, xé màn đêm đầy sương tìm đến khu vườn chứa đựng những điều kỳ thú về thời tiết. Họ chỉ có 5 người chia nhau ra làm công việc nhọc nhằn này.
Anh Hoàng Duy Hậu (29 tuổi) - nhân viên của trạm Khí tượng thủy văn Sapa - là người có 6 năm gắn bó với nơi này. Hàng ngày, anh Hậu ghi chép chính xác, nhanh chóng tất cả các số liệu về khí tượng: Nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, quan trắc tầm nhìn ngang, quan trắc các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, nhiệt kế khô, nhiệt kế ướt, bốc hơi...
“Chậm 10 phút thôi là sai lệch số liệu, dự báo sai là bà con khổ. Chính vì thế chúng tôi không dám có một phút lơ là. Thận trọng, nhanh nhẹn, chính xác là tiêu chí mà 6 năm qua tôi luôn đặt ra cho chính mình”, anh Hậu tâm sự.
Từ số liệu thô, anh Hậu và những đồng nghiệp sẽ đem tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy định của ngành, chuyển về đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, rồi đến đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc (TP. Việt Trì, Phú Thọ) và chuyển tiếp về trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Hà Nội), để các chuyên gia phân tích thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày.
Hỏi anh có bao giờ chán nghề hay thấy mệt không, anh Hậu cười: “Người ngoài thì thấy công việc đo đạc này nhạt nhẽo nhưng tôi thì chưa bao giờ biết chán. Bởi lẽ các hiện tượng thời tiết không bao giờ trùng lặp, luôn mới mẻ, cuốn hút tôi từ ngày mới vào nghề cho đến tận bây giờ”.
Tết chạnh lòng ở độ cao 1.584m
Lạnh lẽo, đơn độc, chạnh lòng,... là cảm giác trong mỗi dịp Tết mà những quan trắc viên như anh Hậu phải qua ít nhất một lần trong đời.
Niềm vui trong công việc là được tìm tòi những thứ thời tiết mới. |
Theo quy định của ngành Khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ được gọi là 1 “ốp”. Ca trực của quan trắc viên kéo dài trọn 24 giờ: Từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau, với 4 lần đi “ốp”, kể cả lễ Tết hay Thứ Bảy, Chủ Nhật.
Cũng theo chia sẻ, do thời tiết những năm gần đây có nhiều thay đổi bất thường, sương muối, băng tuyết xuất hiện nhiều khiến công việc của các quan trắc viên thêm vất vả. Đặc thù công việc của quan trắc viên là phải bám trạm. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề thì sẽ phải đi đo lại.
Nhớ hồi mới vào nghề, anh Hậu phải trực Tết đêm Giao thừa, vừa sợ ma, vừa lạnh buốt vì nhiệt độ xuống đến độ âm. Cái giá, cái buốt len lỏi từng thớ thịt. Nhớ nhà, nhớ bữa cơm đoàn viên, anh Hậu lau nước mắt nhìn bốn bề toàn một màu đen.
“Nhiều lúc suy nghĩ nếu lúc đi đo thời tiết nhỡ có chuyện gì cũng chẳng ai biết. Thời tiết Sapa cứ đỏng đảnh như gái mới lớn, sáng lạnh, trưa nắng, tới chiều là hanh khô buốt buốt, đến tối có khi nhiệt độ cóng tay chân. Ấy vậy nhưng cứ đến giờ là rời khỏi chăn ấm để đi gặp gỡ thời tiết như gặp gỡ... người tình”, anh Hậu cười tâm sự.
Kể về thời tiết những ngày Tết, năm nào anh Hậu cũng có kỷ niệm. Thời tiết Sapa dịp Tết có năm băng giá, sương muối,... đã tủi lại phải trực diễn biến khí hậu liên tục, nỗi nhớ nhà, nhớ bữa cơm ngày Tết khiến anh thêm chạnh lòng.
“Có những hôm, nhiệt độ đóng băng, cuốn mấy lớp áo bông vẫn cảm nhận được cái tê cứng thịt da vì giá rét. Thời tiết quả thật khắc nghiệt, sương muối rơi xuống mặt rũ rũ vài cái là ướt hết áo. Nhưng nhìn sương muối, lo cho hoa màu của người dân năm nay có lẽ lại mất mùa, tôi lại bước đi. Vừa đi chúng tôi vừa ngước mắt lên trời, nhìn mây mà khấn vái cho sương muối tan đi”, anh Hậu kể.
Giao thừa không được quây quần bên người thân, nhận mừng tuổi và lời chúc của ông bà, bố mẹ; tuy nhiên, mỗi khi bắt tay vào công việc, giúp cho người dân nắm bắt được thời tiết để vui xuân, phục vụ sản xuất và đời sống thì nỗi buồn của những quan trắc viên như anh Hậu lại nhanh chóng tan biến.
Chàng trai này 29 tuổi, chưa có gì trong tay, chỉ có tình yêu, niềm say nghề làm thú vui duy nhất. Hỏi anh khi nào lập gia đình, anh cười ngại ngùng: “Ở xứ này, lại còn làm nghề chả mấy ai biết, Tết lại cặm cụi với mấy cái máy đo đo đạc đạc, chuyện gia đình tôi chưa nghĩ tới. Duyên đến thì nhận, không thì cứ say mê với nghề rồi tính tiếp chuyện tương lai”.
“Mới nhận công tác lên trạm Sapa được 3 tháng, đến giờ khi có ca trực tôi vẫn sợ, ám ảnh nhất là dốc từ dưới chân đường lên trạm. Có lần đi xe lên dốc không quen tay, cộng với việc cóng tay vì chưa quen thời tiết, tôi đã ngã nằm ngay giữa dốc. Năm nay trực Tết đêm 30 cũng là thử thách không nhỏ với bản thân tôi. Nhưng được cống hiến cho nghề thì vẫn vui lắm”. Chị Nguyễn Vân Anh – Trạm trưởng trạm Khí tượng thủy văn Sapa |
Lê Liên - Phạm Tùng
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(21)