Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tết cổ truyền trên cao nguyên Mông Cổ

(DS&PL) -

Điều khiến tết cổ truyền của người Mông Cổ khác biệt chính là ở những phong tục, tập quán mang đậm màu sắc bản địa.

Điều khiến tết cổ truyền của người Mông Cổ khác biệt chính là ở những phong tục, tập quán mang đậm màu sắc bản địa.


Một gia đình Mông Cổ đón Tết âm lịch. Ảnh: sbs.com.au

Ngày tết cổ truyền ở Mông Cổ được gọi là Tết Tsagaan Sar, nghĩa là "Mặt trăng trắng", được xác định theo lịch mặt trăng của người Mông Cổ. Đây là 1 trong 2 ngày tết quan trọng nhất và được chờ đợi nhất ở nước này, ngày tết còn lại là Tết Naadam vào tháng 7.

Tsagaan Sar tượng trưng cho những ngày mùa xuân, khi mùa đông lạnh lẽo kết thúc, nhiệt độ bắt đầu ấm lên, rơi vào khoảng tháng 1, 2 trong lịch Gregory (dương lịch mà các nước đang sử dụng). 

Ngày đầu tiên của Tsagaan Sar và cũng là ngày đầu tiên theo lịch âm của người Mông Cổ thay đổi mỗi năm. Lễ hội chính thức diễn ra trong 3 ngày, nhưng thường được kéo dài thêm nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau. 

Mọi người sửa soạn cho Tsagaan Sar từ nhiều tuần trước đó. Mỗi gia đình phải chuẩn bị hàng trăm, tới hàng ngàn chiếc bánh buuz, một món ăn truyền thống dịp năm mới của người Mông Cổ. 

Bánh buuz là loại bánh như bánh bao, to khoảng ba ngón tay, có vỏ bằng bột mì nhưng nhân toàn là thịt cừu. Mỗi người khách đến chơi nhà dịp Tết Tsagaan Sar đều được chủ nhà mời thưởng thức một đĩa hàng chục cái buuz, hết lại lấy thêm.

Chưa kể chủ nhà còn gói bánh chưa hấp cho khách đem về làm quà Tết. Bánh phải do chủ nhà làm mới thể hiện được lòng hiếu khách.

Thường mỗi dịp Tết Tsagaan Sar, mỗi gia đình ở Mông Cổ sử dụng hết khoảng 5 tới 10 ngàn cái bánh buuz. 

Bánh truyền thống ngày Tết của người Mông Cổ. Ảnh: selenatravel.com

Đến đêm giao thừa, trong tiếng Mông Cổ gọi là Bituun, nghĩa là "tối thui". Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người Mông Cổ duy trì tập tục uống trà. Chén bát sẽ được rửa sạch bằng sữa ngựa. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để đón một năm mới sạch sẽ, an lành. Nhiều nhà đặt 3 khối băng ở cửa để thần ngựa Palden Lhamo uống khi tới thăm. 

Các thức uống rất công phu: chủ nhà rót ra một chén trà đầu tiên, đem ra sân trước vẩy khắp 4 hướng, chén trà thứ hai dành cho người chủ gia đình, rồi mới mời những thành viên còn lại.

Sau đó, người Mông Cổ sẽ ăn uống tiệc tùng vui vẻ và xem những trận đấu vật truyền thống trên truyền hình. Mọi người trong nhà có thể chơi bài với nhau, người thắng sẽ gặp may mắn cả năm. Ngoài ra, họ còn trả hết nợ nần, giảng hòa với nhau để bắt đầu một năm mới an lành.

Măm cỗ tất niên của người Việt có gà cúng, thì người Mông Cổ phải có đùi bò hoặc đùi cừu. Sau khi ăn thịt, chủ nhà hay người được kính trọng nhất trong gia đình phải đập xương đùi đó ra, lấy tủy chia cho mỗi người một miếng.

Nếu những người này đã già yếu, thì con trưởng phải làm thay. Lúc đập xương lấy tủy, mọi người phải đồng thanh: ‘Hãy cởi bỏ hết sự bí bách, thù hận, xích mích trong lòng; hãy xóa đi những rủi ro, không may mắn; hãy mang đến sự hanh thông trong năm mới’.

Ngoài nghi lễ này thì Giao thừa phải nổi lửa rán một loại bánh bất kỳ để có lửa, có khói, có mùi nhằm xua đuổi tà ma.

Buổi sáng đầu tiên của Tsagaan Sar, gia chủ mang trà và sữa tới cho các thần bằng cách rắc ra khắp hướng. Sau đó, mọi người bắt đầu đi chúc năm mới lẫn nhau.

Trong một ngày họ có thể đi tới 10 gia đình khác và mỗi lần thăm là một lần làm lễ. Nơi đầu tiên họ tới luôn là nhà của người già nhất trong họ.

Chủ nhà lớn tuổi sẽ ngồi phía bắc nhà lều và vẫn đội mũ, khách đến chào và làm lễ Zolgokh. Lần lượt từng người cầm khăn Khadag đặt trên tay gia chủ và nói câu "amar baina uu? Sar shinedee saikhan shinelej baina uu" nghĩa là "Bác sống bình yên chứ, Tết nhà mình đang chuẩn bị có tốt không?". Sau đó, gia chủ hôn hai bên má người khách, tặng khoản tiền nhỏ và mời uống rượu.

Gia chủ tiếp đó sẽ mời khách uống trà sữa và ăn các món truyền thống. Trong khi đàn ông chuyền nhau hộp thuốc lá, mọi người ngồi trò chuyện với nhau. Khách được mời uống ba lần rượu, thường là vodka. Sau bữa ăn, khách chuẩn bị về thì gia chủ tặng một món quà.

Khi đi chúc Tết các bậc trưởng thượng, người ta thường cầm theo khăn lụa màu xanh dương biểu tượng của bầu trời từ bi. Món lì xì tặng nhau thường là tiền, khăn lụa hay bát trà sữa.


Tháp bánh cầu bình yên, an khang, gồm nhiều chiếc bánh quy dày chiên giòn dựng lên. Ảnh: selenatravel.com

Điểm nhấn kết hợp ẩm thực và văn hóa trong tết Tsagaan Sar của Mông Cổ chính là tháp bánh cầu bình yên, an khang, gồm nhiều chiếc bánh quy dày chiên giòn dựng lên thành các lớp theo số lẻ, đựng trên một chiếc đĩa thật lớn.

Thức ăn chính trong những ngày Tết ở đây gồm thịt cừu luộc hoặc nướng, bánh bao nhân thịt cừu, sữa ngựa ủ chua, tháp bánh quy giòn gồm nhiều lớp. Tuy nhiên, cũng có thể có thêm món cơm nấu sữa và nho khô, thịt ngựa xào, trà sữa hoặc rượu pha sữa. Riêng bánh bao được làm với số lượng nhiều, trữ đông rồi hấp ăn dần trong suốt dịp Tết.

Người Mông Cổ quan niệm số lẻ là niềm hạnh phúc còn đĩa lớn là ngọn núi trung tâm vũ trụ. Gia chủ càng lớn tuổi lớp bánh càng nhiều khiến tháp càng cao. Chung quanh các tầng bánh người ta trang trí kẹo viên, bánh ngọt, phô mát hoặc sữa đông.

Người Mông Cổ xem sữa là thức uống chính, thông dụng hơn cả nước trắng và rượu. Thức uống phụ của họ cũng là sữa nhưng có pha thêm ít, nhiều trà.

Suốt các ngày Tết, người Mông Cổ thường xem và tham gia 3 môn thể thao cổ truyền là bắn cung, đua ngựa đường trường và đấu vật, trong đó hai môn đầu có cả phụ nữ thi đấu. Bên cạnh đó còn có những điệu múa dân gian như vũ điệu tsam, với nhạc cụ gọi là mã đầu cầm và kỹ năng hát trong cổ họng được vận dụng khi trình tấu.

Vào dịp Tết Tsagaan Sar, quần áo và đồ trang sức của người Mông Cổ khá phức tạp, nhiều màu sắc, bao gồm: Áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí. Các thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau sẽ có những dấu hiệu khác biệt trong thời trang của họ. 

Chỉ cần nhìn sơ qua hình dạng và chất liệu vải, mà người Mông Cổ có thể đoán ra khách đến từ vùng nào, bao nhiêu tuổi, thuộc bộ tộc nào và tình trạng hôn nhân. 

Mộc Miên 

(Theo mongoluls.net, sbs.com.au, selenatravel.com) 

Tin nổi bật