Tạp chí Military Watch đưa tin, mới đây, trong một cuộc gặp với các phóng viên quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi hiệu quả của hệ thống tên lửa chống tăng di động chủ lực Kornet. Ông đồng thời khẳng định cần phải sản xuất số lượng lớn loại vũ khí này, sau khi ghi nhận những thành công của Kornet trên chiến trường Ukraine.
“Nhiều xe bọc thép và xe tăng đã bị bộ binh tiêu diệt bằng vũ khí chống tăng Kornet. Tên lửa này đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa và điều này sẽ được thực hiện", ông Putin tuyên bố.
Binh sĩ Nga sử dụng tên lửa Kornet. Ảnh: Military Watch
Các video và hình ảnh được ghi lại trên chiến trường cho thấy các phương tiện thiết giáp của Ukraine bị phá hủy bởi Kornet cùng sự trợ giúp của trực thăng Ka-52.
Kornet là một hệ thống tên lửa cầm tay hạng nhẹ nặng 28kg được mang theo bởi bộ binh. Giống như phần lớn các hệ thống vũ khí hiện có của Nga, Kornet cũng đã được nghiên cứu và phát triển trong thời kỳ Xô Viết.
Được đưa vào phục vụ vào năm 1998, các biến thể cũ hơn của Kornet lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến tranh Iraq, nơi các lực lượng đặc biệt của Iraq đã sử dụng chúng một cách hiệu quả để chống lại xe tăng Abrams của Mỹ và xe chiến đấu Bradley vào năm 2003. Chúng cũng đã chứng minh hiệu quả tương tự khi chống lại xe tăng Merkava của Israel, bao gồm cả biến thể Merkava IV nâng cao, khi được Hezbollah triển khai vào năm 2006. Kornet đã xuyên thủng lớp giáp của ít nhất hai chục xe tăng trong nỗ lực tấn công của Israel vào miền Nam Liban trong năm 2006.
Một số báo cáo khác còn chỉ ra rằng, Kornet cũng được lực lượng dân quân sử dụng để chống lại xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Thành công của tên lửa Kornet đã khiến cả Iran và Triều Tiên mua giấy phép và phát triển các biến thể của tên lửa này trong nước.
Khả năng chiến đấu hiệu quả của Kornet được kế thừa từ những thành công thời Liên Xô, trong việc phát triển các hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng di động thời Chiến tranh Lạnh. Các hệ thống tên lửa chống tăng Konkurs và Metis của Liên Xô khi đó được đánh giá là những vũ khí chống tăng hàng đầu thế giới và vượt xa những vũ khí tương tự của phương Tây.
Tên lửa Kornet. Ảnh: Military Today
Bí mật đằng sau sự nguy hiểm của Kornet nằm ở các đầu đạn song song của nó có thể xuyên thủng lớp giáp thép đồng nhất dày tới 1.300mm. Sau khi tiếp xúc với xe tăng đối phương, đầu đạn thứ nhất phát nổ, đầu đạn thứ hai sau đó tạo ra một luồng nhiệt cực lớn đốt cháy lớp giáp, tiếp đến khoang lái, giết chết những người bên trong và kích nổ các loại đạn dược trên xe tăng đối phương (điều khiến tháp pháo của xe tăng nổ tung theo đúng nghĩa đen trong một số trường hợp).
Các biến thể mới nhất của Kornet có khả năng tấn công tương tự như Javelin của Mỹ, cũng như các đầu đạn nhiệt áp và đầu đạn nổ phân mảnh được sử dụng để chống lại các mục tiêu ngoài xe tăng.
Kornet có tầm bắn từ 100-8.000 mét, khiến chúng trở nên nguy hiểm trong môi trường đô thị và cũng uy lực không kém trong các không gian mở và địa hình đồng bằng như phần lớn vùng Donbass và phía Đông sông Dnepr ở Ukraine.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng cuối những năm 1990, Kornet đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Những tên lửa chống tăng ra đời sau như Javelin của Mỹ, Spike của Israel và HJ-12 của Trung Quốc được tăng cường thêm khả năng “bắn và quên” mà tên lửa Nga còn thiếu. Tuy nhiên Kornet vẫn chứng minh được giá trị của mình trên chiến trường và nó vẫn được coi là sát thủ đối với xe tăng phương Tây.
Mộc Miên (Theo Military Watch)