Tàu chiến Musashi được coi là niềm tự hào của hải quân Nhật Bản trong Thế chiến thứ II, tuy nhiên, con tàu này gần như không tham chiến trước khi bị đánh chìm.
Thiết giáp hạm Musashi của Hải quân đế quốc Nhật Bản. Ảnh: Getty |
Tàu chiến Musashi được đặt theo tên tỉnh Musashi, là thiết giáp hạm thứ hai thuộc lớp Yamato và là tàu chiến cuối cùng được chế tạo cho Hải quân đế quốc Nhật Bản (IJN) tại xưởng đóng tàu Mitsubishi Heavy ở Nagasaki. Musashi bắt đầu được lắp vào ngày 29/3/1938 và được hoàn thành vào ngày 5/8/1942. Musashi do thuyền trưởng Arima Kaoru chỉ huy.
Thiết giáp hạm Musashi được thiết kế để chiến đấu chống lại nhiều con tàu cùng một lúc. Ý định của IJN là tạo ra một hạm đội “lâu đài bất khả xâm phạm và không thể chìm” trên biển nhằm chống lại sức mạnh của Hải quân Mỹ (USN). Musashi cũng được xây dựng hoàn toàn bí mật, chính phủ Mỹ thậm chí không phát hiện được rằng Nhật Bản đang thiết kế, lặp đặt và hạ thủy con tàu.
Thiết giáp hạm được trang bị 9 khẩu pháo 460mm, hỏa lực cao nhất từng có trên tàu chiến. Chiều dài của nó là khoảng 260 mét, và lực giãn nước tới 71.659 tấn. Tốc độ tối đa của tàu đạt 28 hải lý và Musashi có thể chở đến 2.399 thủy thủ. Sau đợt nâng cấp năm 1944, Musashi được bổ sung thêm 6 pháo cỡ 155 mm, 24 pháo 127 mm và 130 pháo phòng không 25 mm.
Trên thực tế, lớp Yamato là những thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử. Chỉ các tàu sân bay được Mỹ phát triển sau Thế chiến thứ II mới có lượng giãn nước lớn hơn lớp Yamato.
Chưa từng phải đối mặt với một chiến hạm khác
Lịch sử quân sự của Musashi thực tế là…không tồn tại. Thiết giáp hạm này đi vào trạng thái hoạt động đầy đủ từ tháng 1/1943 sau khi rời Kure để gia nhập sư đoàn tại căn cứ hải quân Nhật Bản ở Truk. Tuy nhiên, sau đó, Musashi đã dành cả cuộc đời ngắn ngủi của mình để vận chuyển binh lính và vật tư, hoặc thả pháo phòng không.
Vào ngày 17/5/1943, để đối phó với các cuộc tấn công của Mỹ trên đảo Attu, Musashi được triển khai đến khu vực Bắc Thái Bình Dương cùng 2 tàu sân bay hạng nhẹ, 9 tàu khu trục và 2 tàu tuần dương. Tuy nhiên, căng thẳng đã giảm trước khi lực lượng Nhật Bản can thiệp, nên cuộc phản công đã bị hủy bỏ và Musashi phải về nước.
Đến ngày 18/9/1943, Musashi rời Truk cùng với 3 thiết giáp hạm khác để đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ vào đảo Eniwetok và Brown thuộc quần đảo Marshall.
Tuy nhiên, tàu phải quay về cảng nhà chỉ sau một tuần do không phát hiện địch. Một tháng sau, nó tiếp tục rời cảng với một hạm đội hùng hậu để ngăn tàu sân bay Mỹ tấn công đảo Wake, nhưng cũng phải trở về mà không nổ phát súng nào.
Ngày 29/3/1944, Musashi rời đảo Palau, nhưng vừa ra khơi thì bị tàu ngầm USS Tunny phục kích, tấn công bằng 6 quả ngư lôi. Một quả trúng gần mũi tàu khiến nước biển tràn vào, buộc Musashi về cảng Kure dưới sự hộ tống của ba khu trục hạm để sửa chữa. Mặc dù có lớp giáp dày song Musashi đã chứng tỏ có điểm yếu ở khu vực gần mũi tàu.
Trận chiến trên biển Philippine
Vào ngày 19/6/1944, Musashi được giao cho Hạm đội 2 của Đô đốc Takeo Kurita tham dự trận chiến trên biển Philippine nhưng Musashi không đóng một vai trò quan trọng do không tiếp xúc với hạm đội Mỹ.
Người Mỹ xem đây là trận chiến quan trọng vì những tổn thất to lớn của IJN. Hải quân của đế quốc Nhật Bản đã không còn là lực lượng “đại dương” nữa. Sau vụ việc lần này, các máy bay còn lại của Nhật chủ yếu cất cánh từ các căn cứ không quân trên đất liền. Chẳng mấy chốc, Musashi bị biến thành con mồi cho kịch bản mới trong cuộc chiến khốc liệt.
Thời điểm đó, người Mỹ chiếm ưu thế với căn cứ không quân gần quần đảo Philippines cũng như ưu thế trên không, liên tục quấy rối các căn cứ không quân của Nhật Bản tại đây. Điều này đã dẫn đến trận chiến ở vịnh Leyte 4 tháng sau đó.
Chiến dịch SHO-GO - Trận vịnh Leyte
Musashi bị dùng làm mồi nhử trước khi bị đánh chìm. Ảnh: Getty |
Nhật Bản liên tiếp bị đẩy lùi trên mặt trận Thái Bình Dương và có nguy cơ bị Mỹ áp sát lãnh thổ nếu để mất Philippines. Tokyo quyết định triển khai chiến dịch Sho-Go, huy động gần như toàn bộ lực lượng hải quân tham chiến.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ dùng một hạm đội tàu sân bay làm mồi nhử, kéo Hạm đội 3 hải quân Mỹ khỏi eo biển San Bernardino, trong khi hạm đội chủ lực của họ tấn công vào vịnh Leyte. Với mục tiêu này, 5 thiết giáp hạm, trong đó có Musashi, cùng 10 tuần dương hạm hạng nặng rời Brunei hướng về Philippines vào ngày 20/10/1944.
Hạm đội Nhật chia nhỏ để hình thành 3 mũi giáp công từ đảo Borneo, Nagasaki và Singapore. Trong khi đó, 4 tàu sân bay đóng vai trò "chim mồi" rời Nhật Bản dưới sự hộ tống của một số tàu huấn luyện, hai thiết giáp hạm cũ, 4 tàu tuần dương và 8 khu trục hạm. Các tàu sân bay chỉ mang theo rất ít phi cơ để hạn chế thiệt hại.
Sáng 24/10/1944, khi Musashi đang hướng đến vùng biển Sibuyan, bộ phận cảnh giới phát hiện ba máy bay trinh sát PB4Y. Chuông báo động vang lên, báo hiệu về một cuộc tập kích của không quân Mỹ.
Musashi sau đó trở thành mục tiêu tấn công của 259 phi cơ xuất phát từ 4 tàu sân bay Mỹ gồm USS Intrepid, USS Essex, USS Franklin và USS Enterprise. Chiến hạm này bị trúng tổng cộng 19 ngư lôi và 17 quả bom, khiến nó tụt lại phía sau so với các tàu trong nhóm tác chiến. Siêu thiết giáp hạm Nhật có thể cơ động nhờ ba chân vịt đang hoạt động, bất chấp việc nó bị rò rỉ nhiên liệu, cháy và phần mũi chìm dần.
Chuẩn đô đốc Toshihira Inoguchi, chỉ huy tàu Musashi, cố gắng cho nó neo tại một đảo gần đó, nhưng động cơ bị hỏng trước khi chiến hạm đến đích. Con tàu được coi là niềm tự hào của Nhật Bản bị chìm xuống biển Sibuyan lúc 19h30 ngày 24/10/1944.
Chuẩn đô đốc Inoguchi bị thương trong trận đánh và quyết định chìm cùng thiết giáp hạm Musashi. Các tàu khu trục Kiyoshimo, Isokaze và Hamakaze sau đó đã cứu được 1.376 thủy thủ trong số 2.399 thành viên thủy thủ đoàn.
Musashi và những tàu còn lại đều bị đánh chìm trong trận chiến tại Leyte. IJN sẵn sàng hy sinh toàn bộ hạm đội hải quân của mình để ngăn chặn cuộc chinh phục quần đảo Philippines của người Mỹ. Tuy nhiên, Đế chế Nhật Bản không thể thay đổi số phận của cuộc chiến và bị quân Đồng minh đánh bại vào năm 1945.
Như vậy, mặc dù các tàu thuộc lớp Yamato được chế tạo để đối đầu với các thiết giáp hạm khác nhưng Musashi không bao giờ được sử dụng hệ thống súng khi chiến đấu chống lại các tàu khác. Musashi và các tàu thuộc lớp Yamato có thể là những lâu đài thực ở trên biển, nhưng giống như chiếc xe tăng Tiger đáng sợ của Đức, chúng đã trở thành con mồi cho các phi công Mỹ.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo War History)