Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố, quy chế thi có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là dự kiến việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%.
Trong khi công thức tính hiện nay là kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp.
Theo Bộ GD&ĐT, thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm mới, góp phần đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp.
Trao đổi trên báo Đại đoàn kết về dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập lên 50% để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhận định đây là một chủ trương đúng.
TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, việc sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cả lớp 10, 11 và 12 để xét tốt nghiệp sẽ khó để các nhà trường làm sai lệch điểm số hơn so với cách tính hiện này là chỉ dùng điểm học bạ lớp 12.
Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực. Như vậy, nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì không thể đánh giá toàn diện năng lực người học mà cần thêm đánh giá năng lực qua quá trình học tập bậc phổ thông.
Do đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp bằng học là hợp lý với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bằng hình thức học bạ đang là một trong những vấn đề "nóng" được quan tâm. Ảnh minh họa
Trong khi đó, trao đổi trên tạp chí Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội cho biết, bất cứ một phương thức nào được đề xuất và thực hiện cũng đều có 2 mặt.
Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những điểm thuận lợi và tích cực để từ đó tìm kiếm những giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại.
Theo thầy Long, so sánh với tỷ lệ trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12 thì việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% để xét công nhận tốt nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý.
Hơn thế nữa, khi sử dụng kết quả của cả 3 năm học tại bậc trung học phổ thông sẽ phát huy khả năng đánh giá toàn bộ cả quá trình tích lũy của học sinh thay vì chỉ dựa theo kết quả học tập ở năm học cuối cấp.
Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thái độ học tập của người học khi phải có sự chủ động, đầu tư và tập trung cao độ ngay từ năm học đầu cấp.
Dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp bằng học bạ nhận được nhiều ý kiến, trong đó không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về việc "làm đẹp" học bạ cho học sinh để đỗ tốt nghiệp.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh việc gian lận, mua điểm, làm đẹp học bạ là khó tránh được nhất là khi kết quả học bạ được sử dụng có động cơ là xét tốt nghiệp, xét tuyển đầu vào đại học.
Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về việc "làm đẹp" học bạ cho học sinh để đỗ tốt nghiệp. Ảnh minh họa
Để tránh tình trạng gian lận điểm học bạ, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng ở bậc phổ thông cần áp dụng quản lý bằng học bạ điện tử. Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cần sớm được thông qua để nâng cao trách nhiệm, ý thức nhà giáo.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Long nhìn nhận, sự lo ngại của dư luận về việc "làm đẹp" học bạ không hẳn là thiếu căn cứ.
Trên thực tế, kiểm soát được những biểu hiện tiêu cực luôn là một vấn đề nan giải và cần nhiều thời gian khống chế, đặc biệt hơn tại môi trường giáo dục thì rất khó có thể đảm bảo rằng sẽ có một giải pháp triệt để giải quyết những hạn chế còn tồn tại đó.
Hiện nay, Sở GD&ĐT ở từng địa phương cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể cho từng đơn vị cũng như đưa ra những yêu cầu đảm bảo kiến thức đầu ra cho từng môn học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành và các tỉnh thành đều sử đang chung trên một hệ thống dữ liệu nên phần nào đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và rõ ràng.
Với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, mọi kết quả học tập, kiểm tra đánh giá thường xuyên đều được nhập lên hệ thống một cách công khai và việc chỉnh sửa hay thay đổi đều được lưu vết rõ ràng.
Khi đó, Sở, Bộ GD&ĐT có thể trực tiếp quản lý và giám sát quá trình thực hiện tại từng trường và với những trường hợp vi phạm thì sẽ có cơ sở để xử lý.
Ngoài ra, theo đánh giá của thầy Long, để tỷ lệ 50% - 50% như dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông phát huy được toàn diện những điểm tích cực và hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực thì vai trò, trách nhiệm của giáo viên và nhà trường vô cùng quan trọng. Cần làm rõ và nâng cao trách nhiệm của người quản lý, lãnh đạo tại các trường Trung học phổ thông trong việc chỉ đạo công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá nghiêm túc và minh bạch trong nội bộ nhà trường.
Thực tiễn cho thấy, thầy cô là người tham gia giảng dạy, đánh giá và đưa ra điểm số cuối cùng cho người học nên cần được giám sát chặt chẽ dưới sự quản lý của lãnh đạo nhà trường. Do đó, tại mỗi cơ sở đào tạo cần chủ động và tự giác làm chặt công tác quản lý và đánh giá thực chất năng lực người học để đảm bảo chất lượng đầu ra không có sự chênh lệch với kết quả tại các kỳ thi, kiểm tra đánh giá nội bộ trong trường. Nếu giáo viên thực hiện tốt và làm đúng trách nhiệm cũng như giữ vững lương tâm nghề nghiệp thì phương thức này sẽ phát huy được hiệu quả tích cực đúng như kỳ vọng.