(ĐSPL) – “Nếu CSGT còn nhận hối lộ thì tăng mức phạt là cơ hội phát sinh thêm tiêu cực và việc tăng mức xử phạt không đạt được mục đích đảm bảo ATGT…”, LS Hiếu nêu quan điểm.
Mới đây, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 171/2013) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi đưa vào thi hành, chúng tôi có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Công Hiếu – Trung tâm tư vấn pháp luật và vận động chính sách (ALAC).
Dưới đây là một số quan điểm của LS Nguyễn Công Hiếu về vấn đề này:
“Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ luôn là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp.
Tuy nhiên, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (đang áp dụng) được xây dựng trong thực trạng trật tự ATGT đường bộ có những diễn biến phức tạp, TNGT đường bộ tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Trong quá trình thực hiện Luật Giao thông, ý kiến cá nhân tôi cho rằng, cần bổ sung quy định thắt dây đai an toàn để bảo đảm phù hợp thực tế hiện nay.
Nhiều phương tiện chở người nằm, ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn nhưng không thắt dây an toàn khi xe đang chạy gây ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của hành khách khi dừng hoặc phanh gấp. Tuy nhiên Nghị định 171 lại không có quy định xử phạt.
Nếu CSGT còn nhận hối lộ thì tăng mức phạt là cơ hội phát sinh thêm tiêu cực... |
Ngoài ra, sửa đổi quy định không xử phạt hành vi chở quá tải trọng đến dưới 10\% đối với các đơn vị vận tải như:
Việc vận chuyển hàng hóa vẫn có những tác động khách quan có thể làm tăng thêm khối lượng hàng chuyên chở so với lúc mới xếp hàng lên xe (tác động do độ ẩm…) dẫn đến việc có thể sai khác một vài \% so với khối lượng ban đầu. Nếu xử phạt theo đúng mức quy định hiện nay sẽ gây khó khăn cho người vận chuyển hàng hóa.
Công tác xếp dỡ hàng hóa hiện tại còn nhiều bất cập, dẫn đến việc có thể xe không vận chuyển hàng vượt quá tổng tải trọng quy định nhưng lại bị vượt quá tải trọng cho phép đối với trục xe, như vậy xử phát người lái xe cũng chưa thực sự được khách quan…
Chính vì một số nguyên nhân nêu trên, cần có mức điều chỉnh quy định xử phạt (đối với tổng tải trọng và tải trọng trục) để bảo đảm phù hợp với thực tế khách quan, vừa đáp ứng việc người dân chấp hành pháp luật, vừa đáp ứng tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vận tải đồng thời phù hợp với thực tiễn.
Với nội dung Dự thảo được đưa ra, có một chuyên gia trừng trả lời báo chí rằng, giả sử có thỏa thuận ngầm “cưa đôi” tiền phạt vi phạm giao thông với cảnh sát thì mức phạt vẫn cao đủ răn đe!
Theo tôi, nếu chúng ta suy nghĩ như vậy là chúng ta đang thực sự thừa nhận có vấn đề tiêu cực trong lực lượng xử phạt vi phạm ATGT (bao gồm CSGT và thanh tra giao thông). Nếu còn để nhận hối lộ thì tăng mức phạt là cơ hội phát sinh thêm tiêu cực và việc tăng mức xử phạt không đạt được mục đích đảm bảo trật tự ATGT.
Việc đưa ra quan điểm như vậy, chúng ta vẫn chưa nhìn nhận thấu đáo vấn đề tiêu cực hiện nay, chưa giải quyết được vấn đề căn bản của tình hình vi phạm ATGT.
Trong dự thảo cũng có đề xuất việc tăng mức phạt vi phạm giao thông cao gấp nhiều lần hiện tại. Tuy nhiên, trước khi tăng mức tiền phạt, chúng ta cần phải dựa trên cơ sở phân tích kỹ các nguyên nhân.
Nếu nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm luật giao thông là do mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều người sẵn sàng đóng phạt để phạm luật, để đi theo ý mình thì nên tăng.
Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay không do mức phạt chưa đủ sức răn đe, bởi, với thu nhập hiện nay của đa số người dân thì mức phạt hiện tại cũng đã đủ sức răn đe với họ.
Ví dụ như đã có rất nhiều vụ việc taxi hất CSGT lên nắp capo, khi trình bày thì có nhiều lái xe đưa ra lý do hoảng sợ bị phạt; với rất nhiều lái xe taxi hiện nay thì chỉ cần một hoặc hai Quyết định xử phạt vi phạm thì cũng đủ mất đi gần hết thậm chí cả tháng lương của họ.
Vấn đề chính hiện nay là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn rất kém. Do đó, biện pháp tuyên truyền giáo dục phải được ưu tiên trước, bởi lẽ rất nhiều cán bộ, công chức vi phạm lại không bị xử phạt trong khi đây là bộ phận nên noi gương đầu tiên, rất nhiều người không hiểu biết đầy đủ các quy định mà bị mắc lỗi và cũng có nhiều người cố tình vi phạm thì càng cần phải giáo dục.
Chúng ta nên học tập một số quốc gia có các biện pháp giáo dục người vi phạm ngay trên đường phố hay yêu cầu phải kiểm tra lại kiến thức pháp luật về giao thông khi vi phạm.
Vấn đề lớn nhất của con người là nhận thức, khi nhận thức đã thay đổi được thì mọi vấn đề cũng sẽ thay đổi theo. Chỉ dựa vào xử phạt nặng thì càng làm tăng sợ hãi và đối phó, chứ không hướng đến ý thức tốt đẹp khi tham gia giao thông”…
Dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên 3-5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/lít khí thở (mức 1); tăng từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4 mg/lít khí thở (mức 2). Người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay. Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay, bị phạt mức cao nhất đến 7 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 2-3 tháng. Tăng mức phạt tiền gấp đôi đối với hành vi chở quá tải trên 150\%. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 28-32 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 56-64 triệu đồng so với mức cũ là 32-36 triệu đồng... |
LS Nguyễn Công Hiếu