Báo Chính phủ đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Lương tối thiểu vùng cho người lao ddoognj sẽ được tăng từ ngày 1/7/2022. Ảnh minh họa
Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng.
Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV 3,25 triệu đồng (tăng thêm 6% , tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với hiện hành).
Trước đó, mức lương tháng tối thiểu dao động từ 3.07 - 4,42 triệu đồng và được giữ nguyên từ đầu năm 2020 tới nay.
Mức lương tối thiểu giờ lần lượt là 22.500 đồng với vùng I; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Theo Dân trí, đây là tin vui với người lao động cả nước ngay trong sáng 12/6, ngày diễn ra phiên đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân.
Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH gửi tới lãnh đạo Chính phủ trước đó nêu quan điểm bác bỏ một số ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian điều chỉnh lương tối thiểu đến ngày 1/1/2023 để hồi phục sau dịch COVID-19.
Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1/7/2022 là rất cần thiết. Việc điều chỉnh thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch COVID-19.
Mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao (tăng 6%), cũng chỉ bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động; đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Thời gian qua các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin về thời điểm thực hiện mức lương từ 1/7 và người lao động cũng đang rất mong chờ. Do đó, việc Chính phủ quy định thực hiện từ 1/7 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hướng tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.
Hội đồng tiền lương quốc gia (với sự tham gia đại diện của 3 bên gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhất trí với thời điểm này.
Hoa Vũ (T/h)