Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tam quốc diễn nghĩa: Bát trận đồ của Khổng Minh lợi hại tới đâu?

(DS&PL) -

Bát trận đồ vốn không phải là sáng chế của riêng Gia Cát Lượng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết bày binh bố trận theo trận đồ và gọi đó là Bát trận.

Bát trận đồ vốn không phải là sáng chế của riêng Gia Cát Lượng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết bày binh bố trận theo trận đồ và gọi đó là Bát trận. Tuy nhiên, Gia Cát Khổng Minh chính là người đưa Bát trận đồ lên tầm huyền thoại, diễn hóa đầy đủ tinh hoa trong nghệ thuật dụng binh của mình vào trận pháp này.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, điểm phân biệt giữa Gia Cát Lượng và các mưu lược gia nổi tiếng khác thời Tam Quốc là khả năng dùng “kỳ binh” của mình. Tuân Úc, Quách Gia hay Tư Mã Ý đều rất giỏi nhưng chỉ giỏi binh pháp thông thường, dùng người để trị người. Còn Gia Cát Lượng đã đạt đến một cảnh giới cao trong điều binh khiển tướng. Lần dùng “kỳ binh” ngoạn mục nhất phải kể đến là khi Gia Cát Lượng phục sẵn trận đồ Bát Quái, bức cho tướng nước Ngô là Lục Tốn nguy khốn một phen.

Bát trận đồ trên màn ảnh.

Thần bí thạch trận

Do sai lầm của Lưu Bị vì nóng lòng báo thù cho người huynh đệ kết nghĩa Quan Vũ đã cử 70 vạn quân sang đánh Đông Ngô. Sau quãng thời gian đầu lấn át, thắng thế, quân Thục của Lưu Bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan sau khi đô đốc Đông Ngô là Lục Tốn quyết cầm cự, không ra đánh. Sang đến mùa hè năm 222, lợi dụng thời tiết nóng bức, gió đông nam thổi mạnh, Lục Tốn cho quân phản công, dùng hỏa công thiêu trụi 40 trại của Lưu Bị trải dài 700 dặm.

Di chỉ “Bát trận đồ” thời Tam Quốc.

Sau này, Lưu Bị thua chạy, Lục Tốn mang quân đuổi theo truy kích. Khi đuổi đến ải Quỳ Quan, Tốn ngồi trên ngựa, trước mặt thấy chỗ cạnh bờ sông bên sườn núi có một đám sát khí bốc ngùn ngụt lên tận trời. Tốn nghi có mai phục nên cho đại quân dừng lại, lùi 10 dặm, dựng trại đợi địch đến giao chiến.

Quân do thám về báo không thấy bất cứ đạo binh mã nào. Tốn vẫn chưa tin, tự mình cưỡi ngựa lên núi quan sát nhưng cũng không thấy bất cứ dấu hiệu khả nghi nào khác. Tuy vậy, càng về tối thì sát khí bốc lên ngày càng mạnh. Lục Tốn nghi hoặc, sai người tâm phúc đi do thám. Người đó về báo rằng không có quân mã nào mai phục mà chỉ có chừng tám chín mươi đống đá ngổn ngang dựng ở cạnh bờ sông. Tốn tự mình đi hỏi thổ dân ở đó thì được biết bến này tên là Ngư Phúc, trước khi vào Xuyên, Gia Cát Lượng đi qua đây đã lấy đá bày ra thế trận này. Từ đó, ngày nào cũng có sát khí bốc lên ngùn ngụt.

Lục Tốn tự mình thân chinh, mang vài chục quân kỵ mã đến tận nơi dò la. Tốn đứng trên núi nhìn xuống thì thấy thạch trận này bốn mặt tám phương đều có cửa ra vào. Tốn cười cho đó là mê thuật làm mê hoặc lòng người. Đoạn, Tốn cầm quân thân chinh đi vào bãi đá xem xét.

Lục Tốn và các tướng đi vào thạch trận.

Khi chuẩn bị trở về, bỗng đâu một cơn gió lớn nổi lên, cát sỏi bay lên mù mịt, lại thấy đá dựng lên chơm chởm như gươm cắm, cát nổi lên từng đống như núi, dưới sông lại thấy nước chảy cuồn cuộn, tiếng reo như trống rung. Lục Tốn giật mình nói: “Ta mắc phải mẹo Gia Cát Lượng mất rồi”. Tốn vội vàng tìm đường ra nhưng đã lạc vào thạch trận, loay hoay mãi vẫn chưa thấy lối thoát. Đang trong cơn túng quẫn thì bỗng đâu thấy một cụ già đứng ở trước ngựa, nói: “Tướng quân có muốn ra khỏi trận này không?”. Tốn cầu xin ông cụ dẫn ra khỏi thạch trận.

Lục Tốn rơi vào thạch trận của Gia Cát Lượng.

Cụ già chống gậy, đi từ từ dẫn Lục Tốn thoát khỏi thạch trận. Tốn đa tạ rồi hỏi danh tính thì mới biết đó chính là Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, bố vợ của Gia Cát Lượng. Hoàng tiên sinh giải thích: “Khi rể lão vào Xuyên, có bày thạch trận ở đây, gọi là “Bát trận đồ” chia làm tám cửa, theo hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, trong độn giáp. Mỗi ngày, mỗi giờ, biến hoá không biết đâu mà lần, sánh bằng mười vạn tinh binh. Khi con rể lão đi có dặn lão rằng: “Về sau, có đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này, thì đừng có đưa ra!” Mới rồi, lão chơi trên sườn núi. Thấy tướng quân từ cửa Tử đi vào, chắc rằng không hiểu trận này, thế nào cũng lạc lối. Lão xưa nay ưa làm phúc, không nỡ để tướng quân chết tại đây, cho nên dắt tướng quân ra cửa sinh”.

Tốn lại hỏi phép bày trận này có học được không, Hoàng Thừa Ngạn trả lời: “Phép trận này biến hóa vô cùng, không sao học được”. Tốn lạy tạ rồi quay ngựa ra về, đến trại than rằng: “Khổng Minh đúng là “Rồng nằm”! Ta không bằng được!”, rồi hạ lệnh rút quân.

Nguyên lý Bát trận đồ

Do tư liệu lịch sử đã tản mát nhiều nên hiện nay người ta không thể nghiên cứu kỹ về Bát trận đồ. Tuy vậy mọi người đều công nhận Bát trận đồ của Khổng Minh là có thật và biến hóa khôn lường.

Thạch trận của Gia Cát Lượng. 

Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, uy lực của Bát trận đồ chính là bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp. Hình thế của trận này dựa trên nguyên lý Bát quái với 8 cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Ảnh, Tử, Cảnh, Khai. Các cửa Sinh, Cảnh, Khai được gọi là “cửa cát” (cửa tốt), còn lại Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh chính là “cửa hung” (cửa xấu).

Trong một trận đồ điển hình, toàn trận có thể huy động 14 ngàn kỵ binh, cứ 50 người thành 1 đội hình, tất cả gồm 280 đội. Bộ binh có 10 ngàn người, chia đều thành 200 đội. Mỗi một đội bộ binh chiếm 10 thước trong trận đồ. Tùy theo tình hình cụ thể, Bát trận đồ có thể biến hóa khôn lường, làm quân địch mất phương hướng. Ngoài ra, ở bên trong Bát trận đồ người ta còn có thể bố trí các loại vật liệu đặc biệt như đá, xe lương thực tạo chướng ngại vật, ngăn cản kỵ binh địch tấn công. Sau khi địch lọt vào trận, quân sĩ bên trong sẽ dùng cung, tên, mâu, kích để đả thương, tấn công địch. Trận đồ này là cơn ác mộng với các đội quân kỵ binh trang bị nhẹ.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên điện ảnh.

Bát trận đồ gắn liền với tên tuổi Gia Cát Lượng suốt hàng nghìn năm qua. Đó là kết tinh trí huệ của vị “quân sư muôn đời”. Câu chuyện về Lục Tốn lạc trong Bát trận đồ. đó là một minh chứng hùng hồn cho tài dùng binh của Gia Cát Lượng. Trước trận thắng Di Lăng, Gia Cát Lượng đã biết Lục Tốn nhất định kéo quân qua bến Ngư Phúc, nhất định lạc vào thạch trận và nhất định gặp Hoàng Thừa Ngạn. Thậm chí ông còn dặn bố vợ đừng dẫn Lục Tốn thoát khỏi trận này.

Bát trận đồ của Gia Cát Lượng còn đi vào cả thi ca, nghệ thuật. La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa khen Bát trận đồ rằng: “Thường hữu khí như vân, từng nội nhi khởi”, nghĩa là: Có khí như mây, sức mạnh phát ra từ bên trong.

Trên bia đá ở Thành Đô (nước Thục cũ) lại có câu: “Giang thượng trận đồ do bố liệt. Thục trung tương nghiệp hữu huy quang”, tạm dịch là: Trên sông trận đồ vẫn còn dấu tích. Cơ đồ nước Thục muôn đời sáng ánh vinh quang.

Nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường nổi tiếng có bài thơ Bát trận đồ, trong đó có viết rằng:

“Công cái tam phân quốc

Danh thành Bát trận đồ

Giang lưu thạch bất chuyển

Di hận thất thôn Ngô”

Dịch nghĩa:

“Công lớn trùm khắp thời Tam Quốc

Bát trận đồ nổi danh

Nước sông vẫn chảy, đá vẫn không lay chuyển

Còn để lại mối hận không thôn tính được Đông Ngô”.

Ngày nay, ở thị trấn Di Mâu, huyện Tân Đô và dưới thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết thuộc tỉnh Tứ Xuyên; Định Quân Sơn ở Miện Dương tỉnh Thiểm Tây; Tây An thuộc tỉnh Vân Nam đều còn lưu lại di tích Bát trận đồ của Khổng Minh.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật