Nằm ở số 182 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một cơ sở tẩm quất đang làm nên kỳ tích đặc biệt khi mở ra cánh cửa cho người khiếm thị tìm lại niềm tin vào bản thân và cuộc sống.
Đồng thời, đây cũng là nơi mà những người khiếm thị có thể học tập, làm việc và tự lập cuộc sống. Tại đây, ông Mạnh đã trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để có thể tự mình tạo ra nguồn thu nhập. Tuy bị mất đi khả năng nhìn thấy nhưng trong họ vẫn đang tràn đầy nghị lực và ý chí sống, nhờ có một mái nhà và một nghề để kiếm sống.
Ông Mạnh đứng ở giữa cùng chị Thu và em Hùng tại cơ sở massage nằm trên con phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.
Dù chưa học hết cấp 3, em Vũ Dương Hùng, quận Hà Đông (Hà Nội), một trong bốn người khiếm thị tại cơ sở, xúc động chia sẻ mong muốn được học nghề massage để trở thành thợ tẩm quất giỏi. Đối với Hùng, nơi đây không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi để Hùng thực hiện ước mơ và kiếm sống: “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố mẹ lại làm công nhân, em thì không nhìn thấy gì, trước kia lại còn là gánh nặng của gia đình. Thật may mắn em biết anh Mạnh. Em được đi học nghề, được làm việc, có bạn bè, từ đó đã giúp em có thêm cuộc đời mới”.
Chị Phạm Thị Thu, cũng là một trong số bốn người khiếm thị ở đây, chị đã phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn khi cả hai mắt không thể nhìn thấy ánh sáng. Dù vậy, chị vẫn nỗ lực vươn lên bằng cách học hỏi kinh nghiệm trong nghề tẩm quất để có thể tự lập cuộc sống và nuôi con.
“Chỉ khi được đi làm, tôi mới thấy bản thân mình vẫn còn có ích, vẫn còn được cống hiến và tự tạo ra thành quả nuôi sống chính bản thân mình và các con. Không có gì hạnh phúc hơn bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra”, chị Thu nghẹn ngào chia sẻ.
Tuy thiếu đi đôi mắt, mọi nội lực dường như dồn hết vào đôi bàn tay. Nhờ nghề tẩm quất, những “đôi bàn tay kỳ diệu” ấy đang giúp người mù vươn lên khẳng định mình: “Tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ đã dạy.
Anh Lương Văn Thanh, quê ở huyện miền núi Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) đã vượt qua được nỗi tuyệt vọng và tìm thấy niềm vui sống nhờ vào công việc tẩm quất. Anh Thanh là người dân tộc thiểu số, sống trong cảnh khó khăn, bị mù từ khi còn nhỏ. Cảm thấy bản thân tự ti, vô dụng và không có giá trị trong cuộc sống, anh đã từng tìm đến việc tự tử.
“Vợ bỏ đi từ năm ngoái, bỏ lại tôi cùng đứa con chưa được 2 tuổi. Tôi không nhìn thấy gì ngoài bóng tối, nhà lại còn nghèo, bố mẹ thì đã già yếu, nhiều lúc con ốm không có tiền đi chữa bệnh, mua thuốc. Trong lúc tuyệt vọng nhất tôi đã treo đoạn dây thừng vắt ngang qua cột nhà để tự tử.
May mắn nhờ người quen tôi biết tới anh Mạnh, anh đưa tiền chạy chữa cho con tôi ở bệnh viện, đồng thời đưa tôi xuống Hà Nội học nghề, tận tình nấu cơm, giúp đỡ và dạy tôi sinh hoạt, tự lập ở nơi này. Tự mình có thể kiếm sống và nuôi con là một điều mà tôi chưa từng nghĩ tới”, anh Mạnh xúc động chia sẻ.
Với sự giúp đỡ và hướng dẫn của anh Mạnh, anh Thanh đã học được cách tẩm quất và trở thành một người tẩm quất tài ba. Từ đó, anh có thêm nguồn thu nhập, có thêm bạn bè, đồng nghiệp và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Sau một thời gian mở cửa, cơ sở tẩm quất này đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người có nhu cầu thư giãn sức khỏe sau những ngày làm việc mệt mỏi. Trung bình mỗi ngày, cơ sở tiếp nhận từ 3 đến 4 khách, với mức giá 120 nghìn đồng/người, ngoài ra cơ sở còn có dịch vụ tẩm quất tại nhà.
Tuy nhiên, vì là tẩm quất người khiếm thị, nên làm sao để có lượng khách ổn định, để những người thợ làm nghề tại đây có một cuộc sống tốt hơn cũng là việc khiến những người đã cưu mang, giúp đỡ họ, tạo công ăn việc làm cho họ trăn trở.
“Sao nhà không để thuê mà mở cửa hàng massage cho người mù làm gì? Bản thân có được gì đâu? Đấy là hai câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất khi mở cơ sở này. Nhìn những mảnh đời cơ cực và kém may mắn tôi chỉ muốn góp chút công sức của mình giúp mọi người có một cuộc sống tốt hơn. Nhìn các cháu hạnh phúc khi làm việc, luôn nở nụ cười trên môi, hăng say học tập mà tôi cảm thấy yêu đời và trân trọng cuộc sống này.
Giờ tôi chỉ mong muốn có lượng khách đến ổn định hơn, tạo thêm cơ hội và động lực giúp các bạn ấy làm việc, học tập và rèn nghề. Có như vậy thì nguồn thu nhập các bạn mới được nâng cao hơn”, ông Mạnh tâm sự.
Nơi đây không chỉ mang lại cuộc sống mới cho người khiếm thị mà còn cho chúng ta thấy sự vươn lên, sự nỗ lực và sự kiên trì trong cuộc sống. Họ không những vượt qua được những khó khăn về vật chất mà còn vượt qua cả những khó khăn về tâm lý để đứng lên và khẳng định mình.
Những người khiếm thị tại đây không những giúp đỡ nhau mà còn giúp đỡ những người khác để mang lại niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống. Họ đã chứng minh rằng, sự kém may mắn mà tạo hóa mang đến không phải là điều để ta đau buồn và buông xuôi mọi thứ, mà ngược lại, đó là động lực để chúng ta cố gắng, nỗ lực và vươn lên hơn.
Thảo Ly