Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tài xế bỏ rơi sản phụ khi đang trở dạ giữa đường có phải chịu trách nhiệm hình sự?

(DS&PL) -

Theo nhận định của luật sư, việc tài xế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần phải có kết luận của cơ quan điều tra mới có thể xác định được.

Theo nhận định của luật sư, việc tài xế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần phải có kết luận của cơ quan điều tra mới có thể xác định được.

Sản phụ bị tài xế lái xe bỏ lại ngoài đường. Ảnh: PLO. 

Liên quan đến vụ tài xế bỏ rơi sản phụ khi đang trở dạ ở Bình Phước, trao đổi với PV báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Phạm Văn Phất, văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, cần phải có kết luận của cơ quan điều tra mới có thể xác định được việc tài xế lái xe có hay không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trước những thông tin tài xế lái xe sợ “xui xẻo” nên mới đuổi sản phụ sắp sinh ra khỏi xe khi đang trên đường tới bệnh viện, luật sư Phất cho rằng, hành vi của tài xế thể hiện suy nghĩ lạc hậu và nhẫn tâm.

Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều những hành động đẹp đến từ chính những tài xế lái xe như cứu giúp người bị nạn, đỡ đẻ trên xe được xã hội chú ý, thể hiện tinh thần giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn. Những sự việc đó đều nhận lại được những sự biểu dương, khen ngợi cùng hàng ngàn lời cảm kích được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài xế lái xe lại vì những suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ của mình để từ chối giúp đỡ sản phụ, điều đó thật sự đáng lên án. Hành động của người tài xế này cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và cảm thấy phẫn nộ, xấu hổ vì người tài xế đã nhẫn tâm bỏ lại sản phụ đang bụng mang dạ chửa giữa đường.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ cân nhắc hành động của tài xế để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, hành động của tài xế lái xe đáng bị lên án, thể hiện sự vô tâm, vô đạo đức, thiếu lương tâm nghề nghiệp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Là người đi đường thấy hoàn cảnh đó cũng phải có nghĩa vụ cứu giúp, chưa nói tới anh này là người đang chở sản phụ đó tới bệnh viện theo dịch vụ vận chuyển.

Việc giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn là đạo đức, là tình người. Bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc mà trong một số trường hợp cứu giúp người bị nạn còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ công dân khi thấy người khác đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính. Nếu người nào có khả năng cứu giúp nhưng cố ý không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến người đó tử vong thì người không cứu giúp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: FBNV

Xét trong vụ việc này, nạn nhân tử vong là đứa trẻ, lại sinh non 7 tháng. Bởi vậy, có lẽ cơ quan điều tra sẽ cân nhắc, củng cố chứng cứ xem có đủ căn cứ xử lý về tội vô ý làm chết người hay tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không, trong tình huống cụ thể này thì pháp luật chưa có quy định cụ thể.

Trong tình huống này, người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là sản phụ (có thể còn cả đứa trẻ trong bụng), nghĩa vụ của người lái xe trong tình huống này là phải cứu giúp sản phụ (đưa tới bệnh viện). Tuy nhiên người này lại không thực hiện nghĩa vụ đó... nếu hậu quả mà sản phụ tử vong thì đúng như tình huống dự liệu của điều luật, người lái xe sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự mà không thể chối cãi.

Bên cạnh đó, theo nhận định của luật sư Đặng Văn Cường, đối với tội “vô ý làm chết người”, tội này đòi hỏi người vi phạm phải có lỗi vô ý đối với "người khác" (người khác phải là người đã sinh ra còn sống) dẫn tới người đó thiệt mạng. Còn có hành vi bỏ mặc, xâm hại tới thai nhi thì theo pháp luật Việt Nam hiện nay sẽ không bị xử lý như hành vi bỏ mặc, xâm hại tới con người.  

Vấn đề này các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và sẽ có kết luận và có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, dù xử lý như thế nào thì người lái xe này cũng cần phải bị lên án.

Xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình huống này, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ, người lái xe sẽ phải chịu các trách nhiệm liên quan. Đồng thời, lái xe cũng phải bồi thường các khoản thiệt hại bao gồm: Chi phí cứu chữa, công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần theo quy định của bộ luật dân sự hiện hành.

Sự việc xảy ra vào khoảng 6h ngày 17/8, một sản phụ có tên Vy Thị Y. có dấu hiệu chuyển dạ nên anh Mai Đình S. (chồng của chị Y.) thuê xe dịch vụ 7 chỗ của một nhà xe trên địa bàn xã với giá thỏa thuận 750.000 đồng để đưa chị đi sinh.

Sau khi đến trạm y tế của xã Thống Nhất khám trước, được các y tá, kíp trực ở trạm đề nghị lên tuyến trên thì vợ chồng chị Y. cùng lái xe bắt đầu đi.

Tuy nhiên, khi đi được khoảng 4km, thấy chị Y. đau bụng dữ dội, tài xế Nguyễn Đức N. (cũng là chủ xe) bất ngờ đề nghị gia đình sản phụ Y. xuống xe.

Không còn cách nào khác, anh Mai Đình S. chấp nhận, cố gắng để đưa vợ xuống an toàn.

“Tài xế N. đã trải một tấm vải nhựa xuống dưới vệ đường và 2 vợ chồng anh đã tự dìu nhau xuống. Sau đó thì tài xế bỏ đi", anh S. nói.

Đến khi vợ có dấu hiệu sắp sinh, anh S. vô cùng bối rối và sợ hãi, anh đã điện về gia đình nhờ người nhà ra giúp đỡ, hô hoán những người đi đường cũng như điện báo về trạm y tế xã cách đó chỉ khoảng hơn 2km để nhờ được hỗ trợ.

“Khi con chào đời, chúng tôi thấy cháu cử động, nhưng do không biết gì nên không dám tác động vào cháu bé. Một lúc sau, khi cán bộ y tế xã đến nơi thì thấy con không còn cử động nữa”, anh S. kể lại.

Hiện, vụ việc đang được xác minh, làm rõ.

Điều 132, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thủy Tiên

Tin nổi bật