Tết này mua sắm những gì? Biếu quà như thế nào? Lương thưởng ra sao hay đơn giản là sắp xếp những cuộc gặp gỡ bạn bè để ăn tất niên sao cho hợp lý?...Tư tưởng bị phân tán cho những nhu cầu của bản thân khiến không ít người rơi vào trạng thái nôn nao, không thể tập trung vào công việc khi Tết đến gần.
Nếu bạn gặp tình trạng này thì đây là hiện tượng tâm lý "Holiday Click-off".
Hện tượng tâm lý "Holiday Click-off".
Holiday Click-off là gì?
Holiday Click-off là hiện tượng bồn chồn, háo hức trước kỳ nghỉ lễ Tết. Khi Tết càng đến gần, mọi người thường dành nhiều thời gian để nghĩ về Tết và hoạt động đón Tết hơn là nghĩ đến công việc.
Bất kỳ một tín hiệu nào từ Tết cũng thu hút sự chú ý của con người như nghe nhạc Tết, nhìn thấy mai đào trên đường, hay hình ảnh áo dài Tết tràn ngập Facebook. Điều này khiến tâm trạng nhiều người nôn nao, khó tập trung, dẫn đến hiệu suất làm việc dịp cận Tết giảm sút.
Đối với một số người, tình trạng uể oải, làm việc kém hiệu quả đơn giản xuất phát từ cảm giác mệt mỏi sau một năm lao động, muốn "dẹp bỏ" công việc sang một bên nên cần được nghỉ ngơi.
Ngược lại, có nhiều người phải làm quá nhiều việc trong dịp cuối năm để kịp nghỉ Tết. Điều này gây tâm lý căng thẳng, không thể tập trung hoàn thành, kém hứng khởi, sinh tâm lý chán nản và càng mong đợi Tết hơn.
Holiday Click-off có thể được xem là một hiện tượng toàn cầu.
Khảo sát của Peakon trên 12.000 dân văn phòng Mỹ, Anh và Đức cho thấy hơn 50% nhân sự Mỹ trước kỳ nghỉ Giáng sinh - Năm mới bắt đầu mất tập trung làm việc từ hai tuần trước lễ. Trong khi nhân sự Anh "cố thủ" thêm được 3 ngày và bắt đầu giảm hiệu suất từ ngày 18/12. Khảo sát này cũng cho thấy nhân sự trẻ, đặc biệt là Gen Z có khả năng "bật chế độ" ăn chơi sớm hơn các nhân sự lớn tuổi.
Mặc dù cảm giác mong ngóng nghỉ Tết và sao nhãng khi làm việc dịp cận Tết có vẻ vô hại nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, khả năng thăng tiến trong tương lai.
Holiday Click-off có thể được xem là một hiện tượng toàn cầu.
Làm thế nào để vượt qua Holiday click-off?
- Lập kế hoạch chi tiết và rõ ràng cho từng ngày trước kỳ nghỉ lễ Tết, càng cụ thể càng tốt để tránh phát sinh khó kiểm soát. Ví dụ bạn đã định sẽ mua sắm tết vào thứ 7 tuần sau, thì ngay bây giờ hãy tập trung vào công việc và chỉ nghĩ đến việc mua sắm khi đến thứ 7 tuần sau.
- Đặt ra mục tiêu tối thiểu bạn cần làm được trong 1 ngày. Ví dụ: ngày hôm nay tôi cần hoàn thành 2 công việc, thì hãy tập trung đạt được 2 công việc đó. Nếu làm được 2 rồi, bạn làm thêm được công việc thứ 3, quá tốt. Nếu không, mục tiêu ban đầu là 2 thì bạn đã làm được rồi mà, bản thân cũng cần nghỉ ngơi chứ.
- Phân bổ thời gian hợp lý cho công việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức hoặc quá ít. Nếu bạn nghĩ rằng thức xuyên trưa, xuyên đêm, ăn vội cho qua để làm nhiều nhất có thể thì bạn nên cân nhắc lại. Kỷ luật và sức khỏe vẫn là chìa khóa để bạn đi xa đi bền hơn.
- Tạo ra những động lực tích cực cho bản thân, như thưởng cho mình khi hoàn thành một công việc hay học tập nào đó.
- Giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thiền.
- Cân bằng giữa công việc với thời gian cá nhân. Việc tăng ca thường xuyên hay mang công việc về nhà cũng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, nhất là trong thời điểm bầu không khí căng thẳng trong giai đoạn Tết Nguyên đán cận kề.
Vì vậy, hãy cố gắng hoàn thành công việc khi còn ở công ty và thư giãn khi trở về nhà. Việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tinh thần làm việc tốt hơn vào ngày hôm sau.