Theo thông tin trên báo Sức khỏe Gia đình, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh, trong số đó có 7 người tử vong ngay tại bệnh viện, 1 trường hợp bệnh nặng được gia đình xin về, 2 trường hợp được cứu sống. Những triệu chứng ban đầu của các bệnh nhân giống nhau, đều là sốt, vàng da, vàng mắt, một số trường hợp còn bị đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp gần đây nhất là vào đầu tháng 4/2013, bệnh nhân người Tiền Hải, Thái Bình nhập viện trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử khắp cánh tay trái. Trước khi nhập viện bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau sưng nề cẳng tay trái rồi lan ra khắp cánh tay và vai. Bệnh nhân được điều trị 10 ngày tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm trùng huyết nhưng bị hoại tử toàn bộ cánh tay bên trái.
Cái tên vi khuẩn ăn thịt người mà truyền thông dùng để nói về căn bệnh này đã khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là trường hợp một bệnh nhân tử vong, người Mỹ tên là Anthony Hills (55 tuổi, ở quận Charleston, tiểu bang Nam Carolina) cũng liên quan đến căn bệnh này.
Bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công ở cánh tay và chân phải, khi được điều trị tại bệnh viện trường Y khoa Nam Carolina, các bác sĩ tại đây đã phải cắt cụt cánh tay phải của anh. Bác sĩ cũng đã có ý định cắt cả chân bị nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên bệnh nhân đã qua đời vài giờ sau đó.
BS. Nguyễn Hồng Hà – Phó viện trưởng BV Nhiệt đới Trung ương - đơn vị tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm căn bệnh trên tại Việt Nam cho biết trên báo Sức khỏe Gia đình, "vi khuẩn ăn thịt người" chỉ là một chủng vi khuẩn và chỉ những người có cơ địa nhạy cảm thì mới bị, nó không phải là vấn đề gì lớn cả và lâu nay báo chí cứ làm quá lên khiến mọi người hoang mang.
Khi nhắc lại tên mà truyền thông thường gọi loại vi khuẩn này, bác sỹ Hà khẳng định, không có tên gọi nào như vậy và loại vi khuẩn này cũng không nghiêm trọng như mọi người nghĩ.
Cùng nhận định với BS. Nguyễn Hồng Hà, BS. Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương cũng trấn an, mọi người không nên quá lo ngại về loại vi khuẩn này, nó không phát tán rộng rãi trong môi trường. Từ trước đến nay Việt Nam mới ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh, tức là tỉ lệ mắc bệnh không cao, không có khả năng thành dịch.
Được biết những trường hợp mắc bệnh phần nhiều là bị đứt tay chân khi làm việc dưới nước, trong số đó có một bệnh nhân lội cống nước thải, một bệnh nhân làm việc ở khu nước ngâm bè nứa…
"Vi khuẩn ăn thịt người" như thế nào?
Loại vi khuẩn phát hiện gây bệnh cho người có tên Aeromonas Hydrophyla (AH) (ảnh minh họa: Nguồn Internet). |
Theo báo Tiền Phong, loại vi khuẩn phát hiện gây bệnh cho người có tên Aeromonas Hydrophyla (AH). AH được biết đến ở người và động vật từ những năm 1950. AH là một loại trực khuẩn gram âm thường được tìm thấy ở những vùng có khí hậu ấm áp, nó có thể sống trong đất, nước thải, và nước ngọt hoặc nước lợ.
Theo Tạp chí Tim và Phổi (Mỹ) thì khi bị AH tấn công, biểu hiện lâm sàng ở những người khỏe mạnh thường là tiêu chảy và nhiễm trùng mô mềm.
Ở những người bị ức chế hệ thống miễn dịch hoặc bệnh gan, AH có thể gây viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, hội chứng tán huyết urê hoặc nhiễm khuẩn huyết.
Loại vi khuẩn này được mô tả là trực khuẩn hình que, hình đầu tròn, chiều dài từ 1-3 micromet, rộng 0,3-1 micromet. AH có thể phát triển ở nhiệt độ thấp khoảng 4 độ C.
Do cấu trúc cơ thể nên AH rất độc với nhiều sinh vật, khi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân, AH sẽ di chuyển trong máu đến các cơ quan gần nhất. Tạo ra chất độc có tên Aerolysin enterotoxin - một loại chất độc có thể gây tổn thương mô.
Khả năng gây bệnh trên người của AH được biết đến từ nhiều thập kỷ trước với các loại bệnh về đường ruột. Loại bệnh đường ruột đầu tiên tương tự như bệnh tả gây ra tiêu chảy. Loại thứ hai là viêm dạ dày ruột lỵ, gây phân lỏng chứa đầy máu và chất nhầy. Viêm dạ dày ruột lỵ nghiêm trọng hơn và có thể kéo dài nhiều tuần. Ngoài ra, AH cũng liên quan tới bệnh viêm mô tế bào, nhiễm trùng gây viêm trong các tế bào da, eczema…
Trong một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, AH có thể gây hoại tử fasciitis, đây chính là những trường hợp được mọi người gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm gặp.
Ngoài gây bệnh trên cơ thể người, AH cũng gây ra các bệnh được tìm thấy trên cá và các loài lưỡng cư sống trong nước. Khi nhiễm AH, cá bị loét, thối đuôi, thối vây và nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết phát tán ra toàn cơ thể, gây xuất huyết trong mang, vùng hậu môn, gây viêm loét, sưng bụng…
Tuy có thể gây ra một số bệnh nghiêm trọng, nhưng AH chưa bao giờ gây bùng nổ dịch. Trước đây, giới khoa học mới chỉ ghi nhận một ổ dịch nhỏ vào tháng 5/1988 với 219 bệnh nhân nhập viện vì vi khuẩn AH ở California, Mỹ.
Phần lớn các tài liệu nghiên cứu đều cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn AH thường xảy ra nhất khi môi trường thay đổi, stress, nhiệt độ thay đổi, môi trường bị ô nhiễm và khi sinh vật đã bị nhiễm một loại virus hoặc vi khuẩn khác. Ngoài ra, AH cũng có thể được hấp thụ thông qua các thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn như hải sản, thịt hoặc một số loại rau phát triển trong môi trường nước như giá đỗ.