Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật rợn người được tiết lộ trong phiên xử “tập đoàn kích dục”

(DS&PL) -

Nhiều sự thật rợn người đã được tiết lộ khiến không ít người phải sốc trước cách bóc lột con người của ông trùm tập đoàn mátxa kích dục mang cái tên Tân Hoàng Phát

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 2, Phan Cao Trí và đồng phạm đã lĩnh những bản án nghiêm khắc từ pháp luật, công lý đã được thực thi. Tuy nhiên, để có được bản án được mong đợi sau 6 năm trời ròng rã, lời khai của các bị hại tại phiên tòa mang yếu tố quyết định.

Trong những lời khai ấy, nhiều sự thật rợn người đã được tiết lộ khiến không ít người phải sốc trước cách bóc lột con người của ông trùm tập đoàn mátxa kích dục mang cái tên mỹ miều: Tân Hoàng Phát.

6 bị cáo đang chờ nghe tòa tuyên án.

Giam giữ người, đánh đập, bóc lột

“Tập đoàn mát xa kích dục” Tân Hoàng Phát do Phan Cao Trí (SN 1973, quê TPHCM) thành lập từ năm 2004. Sau đó, để phát triển kinh doanh, Trí cho mở thêm 4 chi nhánh nữa do các đàn em thân tín đứng ra quản lý. Tuy nhiên, tất cả các đàn em này đều phải tuân theo sự điều khiển của Trí. Trong số đó, Phan Việt Hậu (SN 1985, Giám đốc Cty Tân Hoàng Phát), Phan Quốc Cường (SN 1977, Giám đốc cơ sở Kim Thu, chi nhánh Tân Hoàng Phát) được Trí đặc biệt tin tưởng bởi sự tàn bạo và lòng trung thành. Ngoài ra, Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985) và Nguyễn Minh Phương (SN 1974) - quản lý các tiếp viên là hai trợ thủ đắc lực trong việc quản lý, tiếp tay cho ông chủ bóc lột các tiếp viên một cách tàn tệ. Riêng Phan Thị Yến (SN 1979, vợ Trí) là “tay hòm chìa khóa” của cả hệ thống, là người đứng ra thu “phí giải thoát” mỗi khi có tiếp viên nào đó không muốn làm việc nữa với số tiền lên đến 24 triệu đồng cho các “chi phí, tiền ứng của công ty”.

Để luôn có đội ngũ tiếp viên đông đảo, trẻ đẹp nhằm bóc lột họ, Trí cho đàn em đi các tỉnh miền Tây lôi kéo các cô gái về các cơ sở của mình làm việc. Khi có cô gái nào vào làm, Trí thuê giáo viên đến dạy nghề mátxa, xoa bóp cơ bản trong vòng 1 tuần lễ. Chi phí này, cộng với những khoản tiền mua trang phục, son phấn, Trí tính vào số tiền 24 triệu đồng mà tiếp viên phải trả nếu như cô nào muốn nghỉ việc trước thời hạn 6 tháng trong hợp đồng.

Thời gian làm việc tại đây, hầu hết các tiếp viên không được đi ra ngoài, mọi hoạt động làm việc, sinh hoạt đều diễn ra trong căn nhà của Trí cho xây dựng – gọi là nhà tập thể của công ty. Trí cho soạn ra những hợp đồng với các điều khoản theo đúng quy định pháp luật để qua mắt cơ quan quản lý. Mặc dù có quy định tiền lương của nhân viên là 670.000 đồng/tháng nhưng thực tế hiếm nhân viên nào được nhận. Ngoài việc bắt các nữ tiếp viên phải làm việc từ 9h sáng hôm trước đến tận 1h sáng hôm sau mới được nghỉ ngơi, Trí còn bắt các tiếp viên phải kích dục cho khách để kiếm thu nhập.

Chưa dừng lại, theo cáo trạng, Trí còn bắt các "đàn em" của mình truy thu 10\% số tiền các cô gái kiếm được từ việc làm nhầy nhụa đó. Số tiền còn lại của họ, Trí tổ chức bóc lột thêm bằng những hình thức cực kỳ tinh vi. Khi bắt các tiếp viên phải ăn uống, sinh hoạt trong “nhà tập thể” của mình, Trí buộc họ phải ăn uống, mua son phấn, áo quần và các vật dụng khác tại chỗ với giá cực kỳ cao hòng thu lợi bất chính.

Ngoài ra, hễ nhân viên nào vi phạm kỷ luật thì đám “mặt rô” túc trực tại đây sẵn sàng ra tay mà không hề tha thứ. Đã có nhiều nữ nhân viên lỡ có thai với khách sau khi “chiều tới bến” bị chúng phát hiện, chúng bắt giam rồi đánh đập, ép phải phá thai cho kỳ được. Có nhiều nhân viên do không chịu nổi cuộc sống tù túng, định bỏ trốn thì chúng cho người truy bắt bằng cách rất “giang hồ”.

Chị Tình - một nhân viên làm việc được 6 tháng trong một cơ sở của Trí là ví dụ. Do không chịu nổi cảnh bị bóc lột sức lao động hàng ngày, những trận đòn, những hình phạt khắc nghiệt mỗi khi bị đám “mặt rô” cho là vi phạm nội quy công ty, chị đã nhiều liền gọi lén gọi cho gia đình mang tiền lên chuộc về. Tuy nhiên, nhà nghèo khó, tiền kiếm được thì bị chúng bóc lột bằng nhiều cách nên chị phải dùng “khổ nhục kế” bằng việc uống 8 viên thuốc tây vào người hòng kiếm cách đến bệnh viện, tận dụng sơ hở trốn thoát. Tuy nhiên, hành vi bị lộ, chị bị đám côn đồ hung hãn dùng hung khí bắt ngay tại bệnh viện, áp tải lên xe rồi mang về công ty để “xử lý kỷ luật” bằng những cú đá vào bụng, ngực và những hình phạt khắc nghiệt khác.

Từ đó, 5 cơ sở mátxa thuộc “tập đoàn kích dục” Tân Hoàng Phát này trở thành nơi giam giữ gần trăm con người khiến dân cư xung quanh vô cùng bức xúc. Những lá đơn tố giác được gửi lên cơ quan điều tra và cuộc đột kích vào đêm ngày 6/12/2008 của Công an TPHCM được thực hiện. 64 cô gái được giải cứu là 64 hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một điểm chung là những “nô lệ” bị Trí và đồng bọn giam cầm, bóc lột và đối xử hà khắc.

Phan Cao Trí và các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm lần 2. 

Khi công lý lên tiếng

Với những hành vi trên, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 1/2011, TAND TPHCM đã tuyên phạt Trí mức án 12 năm tù, Hậu 10 năm tù, Cường 9 năm tù cùng về hai tội “bắt, giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”; Yến 6 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”; Phương 3 năm tù, Nhanh 2 năm tù cùng về tội “bắt, giữ người trái pháp luật”. Tại phiên xử phúc thẩm từ ngày 8-12/12/2011, Tòa phúc thẩm -TAND Tối cao tại TPHCM lại bất ngờ tuyên chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm phân nửa mức án trở lên cho tất cả các bị cáo trong vụ án.

Đến cuối tháng 4.2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trước đó để điều tra, xét xử lại từ đầu theo hướng tăng hình phạt đối với tất cả các bị cáo này. Đến ngày 1/5/2014, Viện KSND TPHCM nhận được hồ sơ và kết luận điều tra lại từ đầu của CSĐT - Công an TPHCM và đến ngày 29/5 thì cáo trạng mới nhất đã được duyệt. Trong hai ngày 3 và 4/9, phiên tòa sơ thẩm lần 2 được tiến hành. Và lần này, công lý đã đứng về những người bị hại - những cô gái bị bóc lột bởi bàn tay của những kẻ muốn làm giàu trên đồng tiền nhầy nhụa, đen tối.

Bị đề nghị mức án tổng hợp từ 12 - 14 năm tù với 2 tội danh nêu trên, Trí liên tục kêu oan, cho rằng mình bị nhục hình, ép phải nhận tội theo yêu cầu của cán bộ điều tra. Tuy nhiên, VKS cho rằng những lời khai của Trí trước tòa là hoàn toàn không có căn cứ. “Những ghi chép về lời khai của bị cáo khi làm việc với cơ quan công an trong lần nhận tội đầu tiên cũng như các lần bị cáo phản cung đều được ghi nhận trung thực, đúng quy trình tố tụng, không vi phạm pháp luật nên không có cơ sở cho rằng bị cáo Trí bị ép cung”, vị đại diện VKS nhận định. Ngoài ra, Trí còn đổ tội cho các đàn em là tự ý thực hiện việc thu tiền nhân viên, đưa ra các hình thức xử phạt chứ Trí không chỉ đạo việc đó cũng như không cưỡng đoạt tổng cộng 184 triệu đồng của các nữ tiếp viên.

Bị cáo Yến cũng liên tục chối tội, cho rằng bản thân chỉ biết giữ tiền, khi nào đến tháng thì trả lương nhân viên chứ không tham gia vào việc cưỡng đoạt tài sản. Bác lại những lời khai đó của bị cáo và các luật sư bào chữa, VKS cho rằng, việc các bị cáo khác thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tiền đều là nhân viên của Trí, chịu sự chi phối trực tiếp của Trí nên không có cơ sở cho rằng Trí vô can, cũng như không thể cho rằng lời khai của các bị cáo khác là những người làm công ăn lương nên chỉ biết làm theo lệnh của Trí bất chấp hành vi mà bản thân biết là vi phạm pháp luật.

Ngoài sự phản bác sắc bén từ HĐXX, các bị hại khi được chủ tọa cho phát biểu đối chất với các bị cáo, luật sư trước tòa đã khiến cho những lời chối tội của Trí và đồng bọn bị vạch mặt là giả dối. Trong tổng số 9 bị hại được mời đến tòa, ban đầu có 7 người, có 2 người luôn miệng xin tòa cho các bị cáo hưởng mức án khoan hồng để có cơ hội làm lại cuộc đời, nói là được đối xử tốt. Trong khi đó, những người còn lại đưa ra những lời khai chấn động, ảnh hưởng rất lớn đến phán quyết của HĐXX khi lượng hình.

Chị Tr - người lỡ có thai với khách khi làm việc trong một cơ sở của Trí khai rằng, khi phát hiện cô có thai, một người quản lý đã đưa cô lên phòng rồi dùng chân đá vào bụng, đánh bạt tai, đồng thời phạt tiền để “răn đe”. Sau đó, người này ép cô phải phá thai. Một nạn nhân khác tên Y cũng khai, chị xin vào làm việc được một thời gian ngắn thì không muốn làm việc nữa. Sau khi nói chuyện với Yến, chị được yêu cầu phải trả cho Yến số tiền 24 triệu đồng thì mới được cho nghỉ. Để tự giải thoát, chị phải cầu cứu mẹ ở quê, bán đi số vàng dành dụm cả dời, mang tiền đến để đón chị về quê. Sau khi được giải cứu, chị được cơ quan công an hướng dẫn làm đơn tố cáo để đòi lại quyền lợi thì Yến gặp, trả lại 10 triệu đồng, số còn lại thì tìm cách trây ì, không chịu trả.

Hay như trường hợp của bị hại tên L - cũng là cựu nhân viên của Tân Hoàng Phát, trong suốt thời gian 6 tháng làm việc tại Cty này, chị không được trả bất kỳ đồng lương nào dù trong hợp đồng là có. Trong thời gian làm việc, chị bị quản lý nhiều lần phạt tiền, đánh đập. Theo chị, việc nhân viên vi phạm nội quy thì bị đánh, bắt đi dọn phòng vệ sinh là chuyện bình thường trong “khu nhà tập thể” mà Trí dựng lên để giam giữ họ. Những lời khai chối tội của vợ chồng Trí - Yến bị các bị hại vạch mặt bằng những lời khai đanh thép trước tòa. Các bị cáo Hậu, Cường khi cho rằng mình không phạm tội như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, bản chất tội phạm của chúng cũng bị các bị hại vạch trần bằng những chứng cứ đanh thép, đúng sự thật trong sự hả hê của những người dự khán phiên tòa.

“Hành động bắt giữ người trái pháp luật mà tiêu biểu là việc điều người, xe và hung khí áp tải nữ nhân viên tên Tình từ bệnh viện về Cty sau khi Nhanh phát hiện người này bỏ trốn đã khiến các nhân viên làm việc tại đây khiếp sợ. Việc bắt các nhân viên phải ở trong nhà, không được đi ra ngoài một cách tự do chính là cách mà các bị cáo buộc họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào mình, từ đó nảy sinh ra việc cưỡng đoạt tài sản của họ”, VKS đưa ra nhận định.

Khi một luật sư cho rằng, các nhân viên phải ở chung trong nhà của Cty là để bảo vệ họ trước các tệ nạn xã hội bên ngoài, là thỏa thuận hợp pháp… thì một bị hại tên T đã khẳng định mình và nhiều người khác bị giam giữ. “Hai đầu đường có người canh gác, không cho ra ngoài, phải ăn uống và mua mỹ phẩm tại chỗ với giá cao hơn bên ngoài rất nhiều. Chỉ tổ trưởng, thân tín mới được ra ngoài, số nhân viên còn lại không được bước ra ngoài, dù chỉ là nửa bước”, bị hại T khai. Một cựu nhân viên của Tân Hoàng Phát khác tên L cũng khai rằng, khi đi khám bệnh chị cũng bị người của Cty giám sát hết sức chặt chẽ. Suốt 6 tháng, chị không được gọi về nhà để hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, người thân. “Chúng tôi chỉ biết ăn xong rồi làm nhưng không được phát một đồng lương nào trong suốt 6 tháng trời”, chị L cho biết thêm.

Được phép nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Trí khóc xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Yến (vợ Trí) vì có con nhỏ, không tham gia vào việc điều hành. Bản thân Trí thừa nhận có hành vi giam giữ cô Tình và cho rằng đó là vô ý, không chủ ý. Trí mong HĐXX cho hưởng khoan hồng để trở về với gia đình, đi chữa bệnh. Bị cáo Yến mong HĐXX xét xử tuyên mức án tại ngoại để được nuôi dạy các con. Các bị cáo khác đều mong tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Nhận định hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền tự do cá nhân, quyền được sở hữu tài sản hợp pháp về tài sản của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, nên HĐXX, sau khi có xem xét đến nhân thân, hoàn cảnh của các bị cáo, đã tuyên phạt tổng cộng 39 năm tù cho các bị cáo trong vụ án này.

Cụ thể, bị cáo Phan Cao Trí bị phạt 7 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, 5 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 12 năm tù. Cùng với 2 tội danh trên, hai “đàn em” của Trí là Phan Việt Hậu và Phan Quốc Cường bị phạt lần lượt là 10 và 9 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hoài Nhanh và Nguyễn Minh Phương bị phạt lần lượt là 3 và 1 năm tù với tội danh “bắt giữ người trái pháp luật”. Riêng bị cáo Phan Thị Yến bị phạt 4 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Ngoài trách nhiệm hình sự nêu trên, tòa còn tuyên buộc các bị cáo Trí và Yến phải có trách nhiệm bồi hoàn trả các khoản tiền còn chưa trả cho các nạn nhân.

Tin nổi bật