Ngày 24/7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng so với năm ngoái, ghi nhận 10 trường hợp tử vong
Một bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: PLO.
Tiền Phong dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, tính đến hết tuần vừa qua, TP.HCM và khu vực mở rộng (bao gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết – tăng 158% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đã có 10 trường hợp tử vong do căn bệnh này, trong đó TP.HCM ghi nhận 6 ca, Bình Dương 3 ca và Bà Rịa – Vũng Tàu 1 ca.
“Diễn biến dịch bệnh đang theo chiều hướng tăng dần theo từng tuần, đặc biệt từ tháng 6 đến nay – trùng thời điểm mùa mưa. Dự báo, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không kiểm soát tốt các ổ lăng quăng và muỗi truyền bệnh”, ông Tâm nhận định.
Phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn nguy cơ tử vong
BS Hồng Tâm cho biết, trước thực trạng ca sốt xuất huyết và tử vong tăng cao, ngành y tế TP.HCM xác định hai mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là: hạn chế số ca mắc mới và giảm tối đa số ca tử vong.
“Chúng tôi xác định khẩu hiệu ‘không có lăng quăng – không có sốt xuất huyết’ là nguyên tắc phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả. Do đó, kiểm soát các điểm đọng nước, nơi muỗi sinh sôi là biện pháp then chốt” - BS Tâm nhấn mạnh.
Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong.
Để triển khai hiệu quả, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức cộng đồng để tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch. Một công cụ hỗ trợ hữu hiệu là ứng dụng "Y tế trực tuyến", cho phép người dân phản ánh các điểm nghi ngờ có ổ lăng quăng. Khi tiếp nhận thông tin, ngành y tế sẽ phối hợp chính quyền để xử lý nhanh chóng, tránh nguy cơ lan rộng.
Trong công tác điều trị, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện triển khai đầy đủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết từ Bộ Y tế, đồng thời tổ chức tập huấn lại cho nhân viên y tế. Mục tiêu là phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ hoặc chuyển nặng để xử lý kịp thời, giảm thiểu rủi ro.
Đặc biệt, một tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết cũng đã được thành lập. Các bệnh viện khi gặp ca bệnh nặng có thể nhanh chóng hội chẩn với tổ này để đưa ra hướng xử trí kịp thời, hiệu quả.
“Kế hoạch của chúng tôi là kiểm soát toàn diện từ khâu phòng bệnh đến điều trị. Sự tham gia của người dân có vai trò vô cùng quan trọng để khống chế dịch bệnh, đặc biệt trong mùa cao điểm như hiện nay” - BS Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.
Khuyến cáo ngành y tế
Theo Báo Xây dựng, ngành Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng.
Trong đó, diệt lăng quăng thông qua việc thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp với từng loại vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng. Đối với các vật chứa nước sử dụng thường xuyên cần đậy kín và chà rửa thường xuyên đối với vật chứa nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hàng ngày như xô, thùng, hồ; thay nước và chà rửa thường xuyên đối với bình bông, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng… hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng vào hòn non bộ, cây thủy sinh…
Đối với các vật chứa nước chưa sử dụng hoặc không sử dụng thường xuyên phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước. Đối với các vật chứa nước không có mục đích sử dụng như phế liệu cần thu gom và loại bỏ ngay khi có thể.
Ngoài ra, người dân cần diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi... Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Người dân cũng được khuyến cáo cần tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đồng thời, khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể trên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.