Liên tiếp thông tin các thương vụ M&A
Theo báo Công lý, tháng 3/2023, thông tin “ông lớn” đến từ Singapore là CapitaLand Group đang đàm phán một thương vụ ước tính trị giá 1,5 tỷ USD với Vinhomes đã làm xôn xao thị trường bất động sản.
Dự án Vinhomes Ocean Park 3 đang được CapitaLand xem xét mua một phần. Ảnh: Vinhomes
Theo đó, CapitaLand có thể mua một phần Dự án Ocean Park 3 của Vinhomes ở Hà Nội hoặc một dự án ở phía bắc TP.Hải Phòng. Nếu thành công thì đây là một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước - doanh nghiệp phát triển khu đô thị Nam Long Đại Phước với quy mô hơn 45 ha tại Đồng Nai. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Nam Long chiếm 75% vốn của Paragon Đại Phước.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng mua 29,7 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Bắc Cường, với tổng giá trị ước tính khoảng 297 tỷ đồng. Đây là đơn vị sở hữu dự án 223-225 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Sau khi hoàn tất thương vụ, Phát Đạt sở hữu 49,5 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Bắc Cường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản xuất hiện các nhóm nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển tại Việt Nam thông qua hoạt động M&A (mua bán – sáp nhập). Trong đó nổi bật là nhóm nhà đầu tư đến từ Đài Loan và Đông Âu. Hiện phương thức chuyển nhượng chủ yếu là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp.
Báo cáo ngành mới phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng đánh giá hoạt động M&A bất động sản có thể nóng lên trong giai đoạn 2023-2024 do thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc. Các doanh nghiệp bất động sản đang trải qua giai đoạn thiếu hụt thanh khoản khi các nguồn huy động vốn đều ít nhiều gặp trở ngại.
Các thương vụ vẫn chưa thể hoàn tất sớm
Trên thực tế, hoạt động M&A vẫn gặp nhiều trở ngại. Thông tin trên báo Tiền phong, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù các nhà đầu tư mới rất muốn vào thị trường nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng mặn mà. Nếu có cũng khó đáp ứng được điều kiện khối ngoại đưa ra.
Theo đó, hầu hết nhà đầu tư ngoại hiện đưa ra mức lãi vay rất cao (18- 20%/năm). Các chủ đầu tư Việt Nam không thể chấp nhận, mức đàm phán chỉ có thể là 13-15% nên hai bên chưa gặp nhau.
Mặt khác, các chủ đầu tư trong nước gặp nhiều khó khăn, muốn huy động vốn nhưng dự án đó đã mang đi thế chấp, khối ngoại lại không chấp nhận điều này. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa sẵn sàng minh bạch dòng tiền, dẫn đến giằng co.
Bà Dung tiết lộ, thị trường đã ghi nhận các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một số thương vụ nhỏ, từ đầu năm đến nay vẫn chưa có giao dịch lớn.
Theo VTV, là đơn vị chuyên thực hiện các giao dịch, thẩm định các thương vụ M&A, đại diện KPMG đánh giá, các chủ đầu tư hiện vẫn còn định giá dự án ở mức quá cao. Điều này sẽ khó tìm được mục tiêu phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro từ các nhà đầu tư.
"Khi có đàm phán về giá thì có thể nhà đầu tư trong nước, các bên bán cũng nên chú ý giai đoạn này không phải là giai đoạn kéo dài đàm phán để được giá tốt nhất mà có thể là vấn đề thời gian sẽ quyết định. Bởi vì nhà đầu tư nước ngoài hoặc bên mua có tương đối nhiều lựa chọn", ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho biết.
Do đó, ông Công Ái có khuyên các doanh nghiệp bây giờ nếu bán được tài sản với giá phù hợp thì quyết định bán luôn bởi nếu cứ dằng dai thương lượng mức giá phù hợp thì tương lai có thể còn xấu hơn.
Vân Anh (T/h)