Theo tài liệu mà PV có được, Quyết định số 2445/QĐ-SGD&ĐT ngày 19/10/2020 do ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ ký phê duyệt cho Liên danh: công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà - công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An - công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục - công ty TNHH Điện tử Việt Nhật trúng “Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị dạy học, sách cho các trường phổ thông”. Giá dự toán gói thầu này là 17.927.309.000 đồng (Mười bảy tỷ chín trăm hai mươi bảy triệu ba trăm linh chín nghìn đồng), giá trúng thầu là 17.882.940.000 đồng (Mười bảy tỷ tám trăm tám mươi hai triệu chín trăm bốn mươi nghìn đồng), tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 44.369.000 đồng (Bốn mươi bốn triệu ba trăm sáu mươi chín nghìn đồng).
Quyết định số 2445/QĐ-SGD&ĐT ngày 19/10/2020.
Khi nghiên cứu hồ sơ và tiến hành phân tích đơn giá các thiết bị trong gói thầu, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số thiết bị cao bất thường.
Đơn cử, trong danh mục hàng hoá được phê duyệt, một số thiết bị (trong bảng so sánh – PV) có giá cao hơn thị trường, đơn vị khác dẫn đến chênh lệch cả trăm triệu đồng.
Đi vào từng mặt hàng cụ thể, tivi UT640S0TA xuất sứ Indonesia được sở GD&ĐT Phú Thọ mua với giá 17.480.000 đồng ((Mười bảy triệu bốn trăm tám mươi nghìn đồng). Trong khi đó, cùng một sản phẩm với mẫu mã, thương hiệu, xuất xứ tương tự, sở GD&ĐT Ninh Bình mua với giá 12.431.000 đồng ((Mười hai triệu bốn trăm ba mươi mốt nghìn đồng) tại gói thầu: Mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020, theo Quyết định Số: 757/QĐ-SGDĐT Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 09/11/2020.
Máy chiếu đa năng LCD Maxell-EX3051 được sở Giáo dục & Đào tạo Phú Thọ mua với giá là 26.917.000 (Hai mươi sáu triệu chín trăm mười bảy nghìn đồng) trong khi cùng mã sản phẩm này với xuất xứ và thương hiệu giống hệt, trường đại học Sư phạm Kỹ Thuật Nam Định mua với giá 16.031.000 đồng (Mười sáu triệu không trăm ba mươi mốt nghìn) tại gói thầu : “Mua sắm các thiết bị Công nghệ thông tin và Thiết bị phụ trợ cho phòng thực hành các nghề Công nghệ thông tin, Quản trị mạng máy tính, Lập trình mạng máy tính, Công nghệ ô tô và Công nghệ chế tạo máy (cắt gọt kim loại)” theo Quyết định số 712/QĐ-ĐHSPKTNĐ về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện ngày 3/11/2020.
Nhiều mặt hàng có dấu hiệu đội giá cao so với thị trường và so với các gói thầu tương tự tại các địa phương
Ở một số sản phẩm khác, khi khảo sát và so sánh với giá thị trường thì đa số thiết bị được sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ mua với giá cao hơn hẳn. Ví dụ: Sản phẩm máy chiếu INFOCUS IN114xa giá trúng thầu 29.410.000 đồng (Hai mươi chín triệu bốn trăm mười nghìn đồng) trong khi đó giá thị trường là 24.000.000 đồng (Hai mươi bốn triệu đồng).
Bộ khuyếch đại âm thanh không dây Viboss PWA 210 có giá trúng thầu là 26.598.000 đồng (Hai sáu triệu năm trăm chín mươi tám nghìn đồng) trong khi đó giá thị trường là 10.500.000 đồng (Mười triệu năm trăm nghìn đồng).
Máy chiếu P5230 có giá trúng thầu tại sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ là 23.529.000 đồng (Hai mươi ba triệu năm trăm hai mươi chín nghìn đồng) trong khi đó giá thị trường là 17.500.000 đồng (Mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng)…
Chỉ với 5 mặt hàng mà PV vừa rà soát kể trên, với số lượng hàng chục chiếc/cái trên mỗi mặt hàng, tính tổng giá trị chênh lệch thì nguy cơ thất thoát ngân sách có thể lên tới gần 2 tỷ đồng. Cụ thể theo bảng dưới đây:
Tổng chênh lệch các sản phẩm được so sánh trong bài viết.
Để rộng đường dư luận với những thông tin đa chiều, PV đã liên hệ với sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo đơn vị này.
Đời sống Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Đại Nam – Đức Bình