Theo kênh CNN, từ tháng 1 đến cuối tháng 6, có 121.313 công dân Nga đã nộp đơn phá sản và thanh lý tài sản để trả nợ. Trong số đó, nơi có nhiều người tuyên bố phá sản nhất là Moskva: trên 6.000 cá nhân, tiếp theo là khu vực xung quanh thủ đô với trên 5.600.
Cũng trong khoảng thời gian đó, có 20.185 công dân Nga đã nộp đơn phá sản và thực hiện tái cơ cấu nợ.
121.313 công dân Nga đã nộp đơn phá sản và thanh lý tài sản để trả nợ trong nửa đầu năm nay. Ảnh minh hoạ
Báo cáo cho biết thêm rằng số vụ phá sản cá nhân ở nước này đã tăng gần gấp ba lần từ 68.980 vụ năm 2019 lên 192.833 vụ vào năm 2021.
Quan chức Bộ Phát triển Kinh tế Alexei Yukhnin cho biết: “Xét về mặt tuyệt đối, số lượng công dân phá sản đã lên đến mức rất đáng kể”.
Trong khi đó, Nga đã bị áp đặt các lệnh trừng phạt như bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các chính phủ khác đóng băng tài sản.
Mới nhất, ngày 21/7, gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine đã chính thức có hiệu lực, gồm các biện pháp cấm hoạt động mua, nhập khẩu hoặc chuyển giao vàng, trong đó có trang sức.
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Các biện pháp mới nhằm tăng cường lệnh trừng phạt kinh tế hiện có nhằm vào Nga, hoàn thiện việc thực thi và tăng cường hiệu quả của chúng."
Ngoài ra, EU cũng đưa thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Trong đó, EU sẽ đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga.
6 gói trừng phạt trước đó của châu Âu xoay quanh việc đóng băng tài sản và cấm thị thực đối với các tài phiệt và quan chức Nga, cũng như kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT và cấm nhập khẩu than, dầu nước này. Tuy nhiên, nhập khẩu khí đốt vẫn chưa được đề cập đến, bất chấp Ukraine kêu gọi một lệnh cấm vận như vậy.
Mộc Miên (T/h)