Đồng hồ đã điểm đến 2h30 ngày 10/9 nhưng Diễm Trang - sinh viên một trường đại học tại Hà Nội không thể chợp mắt nổi vì lo lắng cho bố mẹ ở quê nhà - thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tạp chí Tri Thức dẫn lời Trang cho hay, thị xã nằm ở ven sông Cầu nên mỗi lần lũ về, đường đi, nhà cửa và trường học đều bị nhấn chìm trong nước. Sau bão số 3 (bão Yagi), quê nhà của Trang bắt đầu mưa lớn và ngập trên diện rộng.
Tính đến trưa 10/9, Trang được bố mẹ báo tin rằng nước vẫn đang dâng cao. Nhà của Trang xây cao nên chỉ bị ngập nước đến ngang đầu gối nhưng ở những vùng trũng, thấp hơn, nước đã ngập đến ngang cổ của một người trưởng thành.
Trang lo lắng tâm sự: “Nước vào đến nhà nên bố mẹ em đang ở tạm trên tầng 2. Năm 2013, nước lũ cũng về thị xã em cao như vậy, thậm chí nước đến mông. Em sợ mùa lũ năm 2013 có thể lặp lại".
Chia sẻ thêm về tình hình mưa lũ tại quê, Trang cho hay toàn bộ thị xã Việt Yên gần như ngập trong nước nên chợ cũng phải đóng cửa. Rất may, người dân chuẩn bị từ trước nên có thức ăn dự trữ trong những ngày lũ về.
Nhà của Trang xây cao bị ngập nước đến ngang đầu gối. Ảnh: Tri Thức
Giống như Trang, Thu Giang - sinh viên Đại học Phenikaa cũng nóng ruột khi nghe tin quê nhà Thái Nguyên bị ngập sâu. Nhà của Giang ở TP.Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), may mắn chưa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Tuy nhiên, anh trai của Trang đang học ở Đại học Công nghiệp Thái Nguyên (TP.Thái Nguyên) lại bị ảnh hưởng nhẹ. Ngoài ra, một người bạn của Giang đang học tại Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cũng bị ảnh hưởng khá nặng vì trường ngập sâu. Rất may, người bạn này đã kịp về nhà an toàn.
Từ hôm qua tới nay, Giang luôn cầm điện thoại trên tay để chờ gia đình báo tin. Học ở Hà Nội, em cứ thấp thỏm nước lũ vào nhà. Đến trưa 10/9, gia đình báo vẫn ổn nên Giang mới thấy nhẹ lòng hơn đôi chút.
Tương tự, nhà của Thanh Hà - sinh viên Học viện Dân tộc, quê ở xã Phú Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), được xây ở vị trí cao nên may mắn cũng chưa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Dù vậy, em vẫn không thể yên tâm khi thấy quê bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão.
Lòng “nóng như lửa đốt” nhưng Hà không dám về với bố mẹ vì giao thông bị ảnh hưởng khá nhiều. Gia đình cũng khuyên em nên ở lại Hà Nội để đảm bảo an toàn và tiếp tục việc học.
Chia sẻ bức ảnh nước lũ chạm sát cầu Chiêm Hóa, Hà lo lắng nói: "Cây cầu này cao lắm nhưng sắp ngập hết rồi, nhiều chỗ khác còn bị ngập ngang nóc nhà, em sốt ruột lắm".
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, tối 10/9, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), trên khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn diện rộng.
Tính từ nửa đêm đến sáng 10/9, lượng mưa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái xảy ra mưa rất lớn với lượng phổ biến từ 70-150mm, có điểm mưa trên 200mm.
TP.Yên Bái (tỉnh Yên Bái) bị ngập lụt. Ảnh: Lao Động
Từ sáng đến chiều ngày 10/9, mưa đã giảm, phổ biến chỉ còn 30-60mm, một số nơi trên 800mm. Thông tin mới nhất cho đến thời điểm này, đêm nay và sáng mai (ngày 11/9), khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai vẫn còn mưa lớn, với lượng phổ biến từ 50-120mm, thậm chí có những điểm còn mưa trên 200mm.
"Nhiều khả năng từ chiều mai, ở các tỉnh Bắc Bộ, khả năng mưa lớn sẽ suy giảm, chỉ còn cục bộ ở một số nơi, mưa không còn xuất hiện trên diện rộng", ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Về diễn biến lũ trên các sông, cơ quan khí tượng cho biết, trong 12 - 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo đông 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Nước lũ bủa vây thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Báo Giao Thông
Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.