Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sinh con trên đảo Sinh Tồn

(DS&PL) -

Trường Sa giờ đây đã có một thế hệ 2K (sinh sau năm 2000), nhiều cháu từ đất liền theo cha mẹ đến Trường Sa, nhưng cũng không ít cháu được sinh ngay tại đảo.

Trường Sa giờ đây đã có một thế hệ 2K (sinh sau năm 2000), nhiều cháu từ đất liền theo cha mẹ đến Trường Sa, nhưng cũng không ít cháu được sinh ngay tại đảo.

Mỗi cái tên, mỗi cuộc đời của các cháu đều gắn liền với Trường Sa, với biển đảo quê hương.

Các em thiếu nhi trên đảo Trường Sa lớn.

Em là mùa xuân dài lâu

Được tin Trường Sa có thêm 2 công dân mới, vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi đã tranh thủ đến thăm các cháu. Bé Nguyễn Phan Ngọc Hân con chị Phan Thị Thương và bé Đoàn Phúc Vi Sa con của chị Phạm Thị Bích Luyện, cả hai đều cất tiếng khóc chào đời vào đầu tháng 4-2014. “Chỉ còn 2 ngày nữa bé Nguyễn Phan Ngọc Hân tròn tháng - Thương kể - hôm đó ngày 2-4, bác sĩ sản khoa Nguyễn Lê Minh Đạt, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa vừa ra đến nơi thì đến trưa em chuyển dạ. Quyết định ở lại đảo sinh con, em cũng hơi lo, nhưng lúc chuyển dạ đến bệnh xá thấy các bác sĩ lo lắng và chuẩn bị chu đáo quá nên em cũng an tâm”. 13 giờ 30 phút, bé Nguyễn Phan Ngọc Hân cất tiếng khóc chào đời trong sự lo lắng, hồi hộp và vòng tay nâng niu của các bà mẹ trên đảo Sinh Tồn.

Ca đẻ của chị Luyện ở đảo Song Tử Tây lại có phần “kịch tính” hơn. Bác sĩ Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, người được Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa phân công phụ trách ca đẻ của chị Luyện, kể: “Được bệnh viện cử ra Trường Sa để phụ trách ca đẻ, nhưng tôi chưa kịp lên tàu thì ngày 8-4 chị Luyện đã vỡ ối và sinh non. Lần đầu tiên, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Phúc, Bệnh xá trưởng của đảo Song Tử Tây phải trực tiếp đỡ đẻ. Qua điện thoại, tôi đã hướng dẫn cho bác sĩ Phúc từng thao tác để mẹ tròn con vuông”. Còn bác sĩ Phúc thì không giấu được niềm hạnh phúc khi biết tên của mình được cha mẹ bé ghép vào tên của đứa con gái yêu. Cái tên Hoàng Phúc Vi Sa được ghép giữa chữ Phúc là tên bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, chữ Vi là tên của bà nội cháu và Sa là Trường Sa.

Trước đó, năm 2011, các bác sĩ ở bệnh xá Trường Sa cũng đã thực hiện thành công ca mổ đẻ đầu tiên cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy. Câu chuyện vượt cạn của mẹ con chị Thúy giờ đã trở thành “huyền thoại” trên đảo.

Do thai ngôi ngang, nhau quấn cổ nên đến giờ phút chót, các bác sĩ quyết định phải mổ trong điều kiện bệnh xá không có cả máy siêu âm. Thế nhưng, với sự chỉ dẫn từ xa của khoa sản Bệnh viện 175, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân (theo chị Thúy có nghĩa là mùa xuân dài lâu) đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của cả ê kíp mổ và nhiều chiến sĩ túc trực bên ngoài sẵn sàng hiến máu cho chị Thúy.

Cái tên Nguyễn Ngọc Trường Xuân cũng được ghép giữa tên của hai bác sĩ: Nguyễn Hà Ngọc và Hồ Xuân Lãng, người theo dõi sức khỏe của sản phụ trong suốt thời kỳ mang thai và người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ.

Đến giờ khi bé Trường Xuân đã 3 tuổi, anh Nguyễn Tấn Thi, cha của bé, còn chưa hết xúc động khi kể lại câu chuyện cũ: “Theo dự tính vợ chồng tôi sẽ vào đất liền sinh bé, nhưng đúng đợt biển động, cả gia đình phải ở lại. Khi nghe bác sĩ nói phải mổ tôi vô cùng lo lắng. Lúc nghe tiếng khóc của con, tôi gần như phát khóc”.

Bé Nguyễn Ngọc Kim Yến (2 tháng tuổi) và mẹ Nhữ Thị Kim Chi đang trên tàu HQ 996 hành trình vượt sóng gió về nhà tại đảo Song Tử Tây.

“Cháu ra đảo ngủ với cha”

Không biết cơ duyên nào mà lúc lên tàu HQ 996 đi Trường Sa, nhóm phóng viên chúng tôi được xếp vào cùng phòng với ba mẹ con chị Nhữ Thị Kim Chi, công dân của đảo Song Tử Tây.

Bé Nguyễn Ngọc Kim Yến vừa tròn 2 tháng, được mẹ quấn trong chiếc khăn lông, đôi mắt cứ mở to như đang háo hức cùng mẹ và anh trai Nguyễn Thanh Sơn (4 tuổi) về với biển đảo quê hương. Hai ngày, hai đêm trên tàu, ba mẹ con chị Chi nằm chung trên một chiếc giường vừa chật chội, vừa nóng bức, nhưng Yến không hề khóc.

Còn Sơn thì líu ríu theo chân các cô chú trong đoàn, có ai hỏi em nhanh nhảu trả lời: “Cháu ra đảo ngủ với ba Thành”. Bé Sơn sinh thiếu tháng nên chỉ nặng 2,7 kg, vậy mà bây giờ là đứa trẻ bụ bẫm nhất đảo. “Sống ở đảo tuy thiếu thốn mọi bề, nhưng cháu nào cũng khỏe mạnh chị ạ”, chị Chi tâm sự.

Vì có tiền lệ sinh thiếu tháng, nên mang thai bé Yến được 4 tháng, chị Chi phải về Cam Ranh (Khánh Hòa) để dưỡng thai và sinh con. Còn chồng chị Chi, anh Nguyễn Duy Thành, vẫn tiếp tục ở lại đảo. “2 ngày nữa thôi, cả nhà lại sum họp, ba Thành được nhìn mặt con gái lần đầu. Mới xa đảo có 6 tháng thôi mà thấy nhớ lắm chị ạ”, chị Chi nói như thì thầm với chính mình.

Tin nổi bật