Xem lại về cơ chế “lại quả” trong đấu thầu
Làm sao để ngành y vượt qua cơn “đại hồng thủy” này? Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe chia sẻ của những chuyên gia đầy tâm huyết trong lĩnh vực y tế.
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói: “Liên tiếp những vụ việc đau lòng xảy ra với ngành y tế từ vụ án Việt Á, mà xót xa nhất khi người đứng đầu Bộ Y tế bị bắt. Đó là mất mát rất lớn của ngành y. Cùng với dịch bệnh, thì với hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự, thực sự ngành y tế cần thời gian mới có thể phục hồi”.
Ông Nguyễn Huy Quang chỉ ra điều để ngành y sớm vượt qua "cơn ác mộng".
Ông Quang cho rằng, Việt Á là “phép thử”. Nếu chỉ có một số người liên quan thì đây là vụ việc mang tính cá nhân, nhưng vì liên quan hàng loạt người ở hàng loạt tỉnh thành thì theo ông cần phải xem lại về cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm trong ngành.
Nhìn nhận về những sự việc xảy ra trong ngành y tế vừa qua, ông Quang bày tỏ vụ án đã khiến lòng tin của người dân vào ngành y bị suy giảm, kể cả lòng tin giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng hậu quả của “cơn bão Việt Á” thì người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi nhiều cơ sở y tế không dám mượn, hay mua trang thiết bị y tế nữa, vì sợ vi phạm pháp luật. Việc thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám và điều trị cho người dân, khi có thể kéo dài thời gian chữa bệnh và làm tăng chi phí điều trị.
Trong khi đó, chia sẻ tâm tư với Đời sống và Pháp luật trên hành lang Quốc hội, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ĐBQH Đoàn Hà Nội nhìn nhận, có một thực tế hiện nay xảy ra rất phổ biến tại các bệnh viện công trên toàn quốc, đó là việc thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc men thiếu sinh phẩm, thiếu cả máy móc thiết bị.
Về điều này, ông Trí bày tỏ sự quan ngại, việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh gây tốn kém cho người dân rất nhiều nếu họ phải mua thuốc ở ngoài. “Nguyên nhân là các giám đốc không mặn mà lắm, rất ngần ngại trong việc tiến hành các gói thầu mua sắm”, ông Trí nói.
Ông Trí cũng cho rằng, vụ Việt Á là tổ hợp của nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là hành lang pháp lý còn nhiều điểm trống, tình hình chống dịch quá gấp, cốt được việc khi chống dịch nên nhiều người không biết làm bị sai. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ có người phát hiện ra và tìm cách bớt xén, lấy hoa hồng…
Sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo
Không bào chữa cho những sai phạm của cán bộ y tế, nhưng ông Trí cho rằng cán bộ y tế đã được cử lên làm quản lý, họ không kém, không phải họ xấu cả. Tuy nhiên, ai làm sai thì phải bị xử lý thích đáng. Ông mong sẽ có hành lang pháp lý thật tốt để không có sơ hở.
Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang lấy ý kiến và đang được ban soạn thảo tiếp thu, nhưng ông Trí cho rằng chưa đáp ứng được. Bởi, trên thực tế đã xuất hiện những vấn đề mới, thêm vào đó còn nhiều luật khác liên quan chưa được sửa như: Luật BHYT, Luật Phòng, chống dịch, Luật về Giá, Luật Tài sản công… theo ông Trí, tất cả phải được sửa đổi, nếu chưa sửa đổi sẽ còn có khe hở.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Lãnh đạo bệnh viện ngại trong việc tiến hành gói thầu mua sắm trang thiết bị.
Ngoài ra, để vượt qua “cơn ác mộng” này, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các Sở Y tế, CDC các tỉnh cần sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo, vì điều này vô cùng quan trọng khi tạo ra được định hướng phát triển ngành y tế từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang thiếu từ lãnh đạo Bộ lẫn các Vụ chức năng.
Ông Quang cũng chỉ ra, vấn đề lớn ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm đó là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy...
“Vì thế, cần có văn bản hướng dẫn (thấp nhất là Nghị định) nhằm tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ họ, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang bày tỏ.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng Quốc hội, Chính phủ hay ngành y tế cần đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của ngành y tế thời gian qua, nguyên nhân chủ quan và khách quan, có một đề án bài bản để phục hồi ngành y tế.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng “mất đi một bác sĩ giỏi nhưng chỉ được một nhà quản lý tồi”, ông Quang cho hay: “Chú ý đến công tác cán bộ, thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp khoa, phòng ở bệnh viện trở lên”.
Song song với đó, ông Quang cho rằng cần có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để có được cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên trong và bên ngoài Nhà nước. “Có như thế mới hạn chế tiêu cực trong ngành y tế, kể cả tham nhũng, lấy tiền của người bệnh thông qua BHYT hay các hình thức khác”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cũng rất tâm tư, “cơn bão Việt Á” đang làm lu mờ đi những cống hiến vô cùng to lớn của cán bộ y tế cả nước vào công tác bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch. Ông cho rằng, phải ghi nhận một cách công tâm, khách quan những thành tích của ngành y tế nói chung và của cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế nói riêng.
“Cần phải tiếp tục khen thưởng các thầy thuốc, nhân viên y tế đã tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cần tiếp tục tôn vinh họ chứ không phủ nhận sạch trơn công lao của họ; tổ chức các đêm tưởng nhớ về những người thầy thuốc đã hy sinh vì phục vụ bệnh nhân trong đại dịch Covid-19”, ông Quang bày tỏ.
"Sẽ rất buồn nếu ngành y sụp đổ sau vụ Việt Á"
Trao đổi thêm về sự việc, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nói: “Những người sai phạm trong ngành y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những con sâu trong nồi canh, còn lại hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế không dính dáng gì đến vụ Việt Á, vẫn giữ được phẩm chất, vẫn ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì họ vẫn cần phải được tôn trọng đúng mực.
ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Sẽ rất buồn nếu ngành y sụp đổ sau vụ Việt Á, bởi càng những lúc như thế này, càng cần phải có sự quan tâm, động viên của các cấp các ngành, chính quyền các địa phương với ngành y, để giúp ngành y vượt qua khó khăn và tránh tâm lý sụp đổ, buồn bã, không ai muốn làm, không ai dám làm gì. Ít nhất thì cũng phải để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở đúng tâm thế của mình để họ yên tâm công tác.
Ngành y chao đảo thì chính các người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thế nên, lúc này càng rất cần sự động viên với ngành y, với những cán bộ nhân viên y tế, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động.Ngược lại, với mỗi cán bộ nhân viên y tế, những người công tác trong ngành y tế cũng cần phải nhận thức rõ vị trí và vai trò của mình, không phải vì sai phạm của những lãnh đạo trong ngành mà hoang mang dao động, mà không dám làm gi".
"Cùng với dịch bệnh, thì với hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự, thực sự ngành y tế cần thời gian mới có thể phục hồi".
Ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
"Vụ Việt Á là tổ hợp của nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là hành lang pháp lý còn nhiều điểm trống, tình hình chống dịch quá gấp, cốt được việc khi chống dịch nên nhiều người không biết làm bị sai. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ có người phát hiện ra và tìm cách bớt xén, lấy hoa hồng…"
GS.TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Hoàng Bích
Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm ngày báo chí cách mạng việt nam