Đài Russia Today đưa tin, ngày 25/3 (giờ địa phương), Anh đã bổ sung lệnh cấm giao dịch vàng Nga vào danh sách lệnh hạn chế London áp lên Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
"Hướng dẫn được cập nhật để làm rõ rằng việc cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để dự trữ ngoại hối và quản lý tài sản, cũng áp dụng cho các giao dịch liên quan đến vàng. Nghiêm cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga liên quan đến kho vàng của họ", chính phủ Anh nêu rõ trong văn bản hướng dẫn trừng phạt được cập nhật trên trang chủ.
Theo Russia Today, động thái của Anh diễn ra sau khi có những quan ngại rằng, Nga có thể sử dụng vàng dự trữ để lách qua lệnh trừng phạt phương Tây.
Anh cùng Mỹ tung đòn trừng phạt nhắm vào kho vàng của Nga. Ảnh minh họa
Trước đó một ngày, bộ Tài chính Mỹ cũng đã thông báo cấm các giao dịch vàng với Moscow, nhắm vào kho dự trữ vàng 2.300 tấn trị giá 140 tỷ USD của Nga.
"Công dân Mỹ bị cấm tham gia vào bất cứ giao dịch nào, trong đó có giao dịch vàng, liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia Nga hoặc Bộ Tài chính Nga", Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 cho biết.
Theo Bloomberg, bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh cấm giao dịch vàng này được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden.
Nga đã dành nhiều năm để xây dựng kho dự trữ vàng lớn thứ năm trên thế giới, với tổng cộng khoảng 2.300 tấn, trị giá tới 140 tỷ USD.
Kho vàng Nga đang bị Mỹ và các đồng minh nhắm mục tiêu trừng phạt bởi việc bán vàng có thể nâng giá trị đồng ruble, vốn đang lao dốc sau các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế của phương Tây.
Kể từ khi căng thẳng Nga và Ukraine diễn ra từ 24/2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow nhằm gây áp lực lên điện Kremlin, như loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ngoài ra, Mỹ còn áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh cũng bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, phong tỏa tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông. Tuy nhiên, biện pháp này được đánh giá là chỉ mang tính biểu tượng.
Nga sau đó cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022 để đáp trả. Moskva cũng áp trừng phạt với Tổng thống và một số quan chức cấp cao Mỹ, cấm họ nhập cảnh vào Nga.
Vừa qua, Moscow cũng đã thông báo thay đổi hợp đồng khí đốt hiện tại, khi yêu cầu các nước trong danh sách "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Rúp.
Hoa Vũ (T/h)