Đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả
Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính như sáp nhập tỉnh, xã hay bỏ cấp huyện, vấn đề xử lý tài sản công, đặc biệt là trụ sở làm việc đang được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Mục tiêu là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn lực vật chất hiện có, tránh lãng phí và thất thoát.
Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, hiện đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến có đề cập cụ thể đến vấn đề sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) nhấn mạnh rằng việc sử dụng, bảo quản tài sản công phải tuân thủ nghiêm túc theo pháp luật. Tài sản công là tài sản của nhân dân, không thể tùy tiện sử dụng sai mục đích sau sáp nhập.
TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội).
Ông cho rằng việc dự thảo Nghị quyết đề cập đến phương án xử lý trụ sở, tài sản công là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy hành chính. Theo ông, sau khi sáp nhập, có thể xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cơ sở vật chất. Do đó, cần tận dụng tối đa các trụ sở hiện có, đồng thời có kế hoạch hợp lý với các trụ sở không còn phù hợp chức năng hành chính.
"Không chỉ trụ sở, tài sản công còn bao gồm máy móc, bàn ghế, trang thiết bị... Tất cả đều cần được kiểm kê, xử lý đúng quy định, tránh thất thoát và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả," ông Chức nói.
Ông lưu ý, tài sản công phải được sử dụng một cách tiết kiệm nhất, có hiệu quả nhất. Hiện còn nhiều trường học, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí đang thiếu.
"Do đó, chỗ nào phù hợp vào việc gì thì phải cân nhắc để xử lý cho tốt. Thậm chí, có thể có những chỗ thanh lý tài sản công, ngoài đất đai, trụ sở có thể còn có máy móc, bàn ghế... Làm sao thanh lý đúng với yêu cầu, quy định của Nhà nước, tiết kiệm, hiệu quả nhất để đảm bảo sử dụng sao cho hiệu quả và không thất thoát tài sản của Nhà nước và của nhân dân", ông Chức nhấn mạnh.
Ông Chức cũng cho rằng, việc xử lý tài sản công cần phải công khai, minh bạch để mọi người cùng nhau theo dõi, cùng nhau làm.
Về việc có nên xây trụ sở mới khi sáp nhập tỉnh, lựa chọn trung tâm hành chính hay không? ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: "Tinh thần là phải tiết kiệm nhất, sử dụng tài sản đã có chứ không phải cứ xây mới. Để dành nguồn lực cho phát triển chứ không phải dành nguồn lực để xây trụ sở. Nên phải rất lưu ý điều này".
Theo ông, việc đầu tư xây mới chỉ nên được cân nhắc trong trường hợp thật sự cần thiết, phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
"Không thể có một quy định cứng nhắc áp dụng cho mọi nơi. Từng tỉnh, từng xã phải căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định phù hợp nhất, miễn sao đảm bảo hiệu quả sử dụng và không lãng phí nguồn lực", ông lưu ý.
Xử lý sớm để tránh xuống cấp
Đồng quan điểm, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng phương án xử lý trụ sở sau sáp nhập cần được thực hiện khẩn trương. Nếu không được sử dụng hoặc quản lý kịp thời, các công trình sẽ nhanh chóng xuống cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý và dẫn đến lãng phí.
"Chúng ta có rất nhiều phương án, có thể phương án bố trí trụ sở, tài sản công cho các hoạt động khác hoặc có thể đấu giá. Theo tôi, tổ chức đấu giá sẽ giúp có thêm nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Điều này là hợp lý. Bởi vì, qua đợt sáp nhập xã thời gian vừa qua, nhiều trụ sở chưa được xử lý ngay, dẫn đến tình trạng xuống cấp", ông Cừ nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Xuân Cừ.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, ở các khu vực trung tâm, đô thị, thị trấn chuyện đấu giá rất thuận lợi. Hoặc là tỉnh lỵ cũng vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư đấu giá để phát triển thành các nhà ở thương mại hoặc các hoạt động dịch vụ khác.
Với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc đấu giá sẽ khó khăn, nên có thể biến các trụ sở này sang các hình thức hoạt động khác như trường học, nhà văn hóa, các hoạt động tập thể… phục vụ cộng đồng.
"Nếu đấu giá được thì tiếp tục đấu giá, còn không đấu giá được thì phải tận dụng những gì đang có để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trường học… điều này vừa phát huy triệt để tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí", ông Cừ nhấn mạnh.
Về việc lựa chọn vị trí đặt trung tâm hành chính nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, ĐBQH Trương Xuân Cừ nhấn mạnh việc sử dụng lại các trung tâm hành chính hiện nay cần được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc trong quá trình sắp xếp.
"Cần tránh tình trạng không thực hiện đúng tinh thần tiết kiệm, lợi dụng việc sáp nhập để xây dựng những trụ sở mới hoành tráng trong khi bỏ phí, phá bỏ những cơ sở vật chất cũ vẫn còn giá trị sử dụng. Đây là việc không cần thiết. Trong bối cảnh đất nước đang dồn nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay và hướng tới mức hai con số trong các năm tới, việc tận dụng tối đa các trung tâm hành chính hiện có là vô cùng quan trọng. Chỉ nên mở rộng hoặc xây mới đối với những sở, ban, ngành thật sự không còn đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng", ông Cừ nói.
Xử lý trụ sở, tài sản công trong 5 năm
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất chính quyền địa phương nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng, phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cấp xã thuộc phạm vi quản lý, kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước sắp xếp lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các Bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp không có nhu cầu sử dụng, thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.