Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rớt nước mắt cảnh nhà nghèo, vợ mắc bạo bệnh nuôi chồng bị tai nạn sống thực vật

(DS&PL) -

Dù mới trải qua cuộc phẫu thuật cắt u xơ cách đây không lâu, chị Sinh vẫn gắng gượng, chịu đựng để chăm lo cho người chồng sống thực vật do tai nạn.

Dù mới trải qua cuộc phẫu thuật cắt u xơ đầy đau đớn cách đây không lâu, chị Sinh vẫn gắng gượng, chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần để chăm lo từng chút một cho người chồng sống thực vật vì tai nạn. Gia cảnh vốn đã nghèo khó nay còn phải đón nhận bi kịch đẩy gia đình chị Sinh xuống tận cùng của khổ đau.

Gánh nặng "ngàn cân" dồn lên đôi vai người vợ đau ốm

Mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Phan Tĩnh và chị Trần Thị Sinh, người dân thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ai nấy đều không khỏi xót xa.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Khảm, Trưởng thôn Thanh Cù rót cho chúng tôi một cốc nước, bà Khảm chia sẻ: "Vợ chồng anh Nguyễn Phan Tĩnh và chị Trần Thị Sinh ở địa phương thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh rất éo le. Trước khi tai họa ập đến gia đình này, cuộc sống của họ cũng rất khốn khó. Từ ngày anh Tĩnh phải nằm liệt giường, gia cảnh càng trở nên khó khăn hơn. Địa phương cũng kêu gọi mọi người ủng hộ nhưng cũng chỉ được phần nào".

Dưới cái nắng như thiêu giữa trưa hè, theo chân bà Khảm, chúng tôi đến ngôi nhà gia đình chị Trần Thị Sinh sinh sống. Đang lúi húi dưới bếp để chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình, nghe tiếng người lạ, chị Sinh tất tả chạy ra. Ngay khi bước vào căn nhà, trước mắt chúng tôi, một người đàn ông gầy gò, teo tóp nằm bất động trên giường. Ngước lên nhìn chúng tôi, đôi mắt thất thần của anh Tĩnh chớp động như muốn chào hỏi nhưng lực bất tòng tâm.

Căn nhà mà chị Sinh, anh Tĩnh cùng hai người con đang sống xuống cấp trầm trọng. Những mảng tường bong tróc loang lổ, cửa sổ, cửa ra vào theo thời gian đã không còn nguyên vẹn. Nơi anh Tĩnh nằm, chị Sinh và người thân phải trải bạt lên mái nhà che dột mỗi khi trời mưa hoặc trời nắng to.

Ngồi xuống bộ bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp, chị Sinh tâm sự gia đình vốn nghèo khó, nên người con lớn nghỉ học từ sớm, đi làm thuê phụ giúp gia đình, con gái út đang học lớp 8. Ngày trước, anh Tĩnh là lao động chính, trụ cột trong gia đình vì chị Sinh sức khỏe yếu xin làm thuê cũng không ai thuê: "Sức khỏe của tôi vốn dĩ không được tốt, hay đau ốm, dù cố gắng xin làm thuê, cuốc mướn nhưng ai cũng từ chối. Cực chẳng đã, tôi phải ở nhà cố gắng làm nông và trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng".

Gạt vội đi giọt nước mắt, chị Sinh cho biết, dù anh Tĩnh sức khỏe yếu nhưng rất thương vợ con. Không quản nắng mưa, hễ ai thuê làm bất kỳ công việc gì anh đều nhận để gắng kiếm đồng tiền nuôi các con ăn học.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ ổn định hơn khi các con khôn lớn. Nhưng tai họa lại ập đến khi anh Tĩnh gặp phải một tai nạn bất ngờ vào tháng 9/2019. "Tôi nhận được tin chồng bị tai nạn trên đường đi làm. Nhìn chồng nằm bất động ở bệnh viện, mà tôi ngỡ như trời sập xuống".

"Tôi như rụng rời chân tay khi các bác sĩ kết luận chồng tôi chấn thương sọ não nặng. Phải phẫu thuật và khả năng cao phải sống thực vật đến hết đời", chị Sinh nhíu mày đau khổ, gương mặt sạm lại, hai mắt thâm quầng vì những đêm thức trắng.

Sau khi anh Tĩnh nằm viện 3 tháng, tài chính gia đình hoàn toàn kiệt quệ. Chị Sinh và người thân quyết định đưa anh về nhà chăm sóc. Thương chồng, thương con, người phụ nữ bất hạnh ấy gắng gượng làm đủ mọi việc để chắt góp từng đồng.

Chị Sinh giúp chồng ăn cháo bằng đường xông.

Hàng ngày, dù mệt mỏi, chị Sinh vẫn chăm sóc người chồng một cách nhẹ nhàng, chu đáo. Chị tâm sự vì anh Tĩnh không thể cử động nên những công việc như tắm rửa, thay tã, đấm bóp, chùi nước dãi, cho chồng ăn qua ống xông là công việc mà chị đã quá quen thuộc.

Vậy nhưng, số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha khi chị Sinh phát hiện mình có khối u trong tử cung buộc phải phẫu thuật ngay. Giọng nói buồn buồn cùng ánh mắt nhìn ra khoảng không vô định, chi Sinh cho biết: "Khi phát hiện mình mắc bệnh, tôi buồn và bất lực lắm. Nhiều lúc chỉ muốn phó mặc tất cả".

Nghĩ về người chồng và các con, chị Sinh lại gắng gượng làm lụng, nhờ bà con họ hàng vay mượn để có được số tiền gần 20 triệu để phẫu thuật. Nợ nần chồng chất, sức khỏe kiệt quệ, chị Sinh dường như phải cam chịu trước số phận nghiệt ngã của gia đình.

Bữa cơm rau và quyết tâm không để con thất học

Kể từ khi anh Tĩnh ngã bệnh, mọi khoản tiền của gia đình đều không còn. Vì vậy, bữa cơm thường ngày của mẹ con chị chỉ xoay quanh chút rau mà nhà trồng được. Hiếm hoi lắm trong bữa cơm mới có được miếng thịt, con cá.

Dù rất ngại nhưng chị Sinh vẫn đồng ý để chúng tôi được chứng kiến mâm cơm trưa của mẹ con chị. Ngoài mấy cái bát cũ kỹ, trên mâm, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một nồi rau muống luộc và bát nước mắm.

"Chồng nằm thực vật, tôi lại ốm yếu đâu làm ra tiền. Mọi chi phí sinh hoạt thường ngày và thuốc thang cho anh phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương của người con trai đi làm thuê", chị than thở.

"Nhìn con người ta được ăn ngon, mặc đẹp, còn con mình gầy gò ăn uống không có gì. Là mẹ, tôi đau lắm chứ. Nhưng không có cách nào cả", chị Sinh giọng chua chát nói.

Được biết, người con gái út của chị Sinh là Nguyễn Thị Phương Chi không ít lần muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Thương con, trách bản thân mình bất lực, chị Sinh chỉ biết động viên con cố gắng, đừng bỏ cuộc.

Tâm sự với chúng tôi, chị khẳng định: "Dù hoàn cảnh gia đình bi đát như vậy nhưng tôi sẽ không để con phải bỏ học giữa chừng. Tôi sẽ làm mọi cách có thể trong khả năng để cho con học thành tài. Đời bố mẹ khổ lắm rồi, tôi muốn con được sống hạnh phúc hơn, dư dả hơn".

Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: "Nhà chị Trần Thị Sinh và anh Nguyễn Phan Tĩnh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Chồng bị tai nạn sống thực vật, vợ cũng ốm đau. Xã, thôn cũng đã thành lập nhiều đoàn, kêu gọi quyên góp để hỗ trợ gia đình. Chúng tôi đang tiến hành làm thủ tục chế độ người tàn tật cho anh Tĩnh để anh hưởng chế độ này trong thời gian sớm nhất.

Em không cần gì, chỉ mong bố khỏe lại

Khi chúng tôi có mặt ở nhà chị Sinh cũng là lúc em Nguyễn Thị Phương Chi, con gái út của anh Tĩnh, chị Sinh đi học về. Khác với những người bạn cùng trang lứa, Phương Chi tỏ ra trầm tĩnh và có suy nghĩ khá chín chắn.

Ánh mắt đượm buồn, Chi cho biết em không cần gì hết chỉ mong bố khỏe lại: "Em từng có ý định nghỉ học, đi làm để kiếm tiền phụ mẹ. Nhưng nhờ mẹ, thầy cô và các bác động viên, giờ em quyết tâm học để thành tài nuôi “ bố mẹ. Em không cần gì hết, chỉ mong sao bố khỏe lại là điều hạnh phúc nhất".

Quý độc giả quan tâm có thể liên hệ và hỗ trợ trực tiếp chị Trần Thị Sinh, thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. SĐT 0362855592.

Uông Đàm Linh

Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (104)

Tin nổi bật