Quốc lộ 20 dài hơn 260km, bắt đầu từ ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai đến ngã ba Dran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Đây là tuyến huyết mạch chở khách du lịch, rau quả và nông sản giữa TP.HCM với Đà Lạt nên lưu lượng xe đông đúc, nhất là vào ban đêm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán có bề rộng khoảng 7m. (Ảnh: VNE)
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 38/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025) quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.
QL20 cũng như các tuyến giao thông khác, trừ phi có biển giới hạn tốc độ khác đều phải tuân theo quy định trong Thông tư 38/2024/TT-BGTVT.
Thông tư nêu rõ, tốc độ khai thác tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy và các loại xe tương tự tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là 40 km/h.
Tốc độ khai thác tối đa cho phép đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) được quy định như sau: Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông trong phạm vi và thời gian cho phép hoạt động, tốc độ khai thác tối đa là 30 km/h.
Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông trong phạm vi và thời gian cho phép hoạt động, tốc độ khai thác tối đa là 50 km/h.
Theo Thông tư, tốc độ khai thác tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) được quy định như sau: Tốc độ khai thác tối đa cho phép các loại xe cơ giới, trừ các xe theo quy định nêu trên tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư được quy định như sau: 60 km/h khi tham gia giao thông trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; 50 km/h khi tham gia giao thông trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.