(ĐSPL) – Hôm 1/12, Thượng viện Mỹ với 99 phiếu, đã thông qua Dự luật gia hạn các biện pháp trừng phạt Iran thêm 10 năm.
Với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí gia hạn thêm 10 năm đối với Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA), được thông qua lần đầu năm 1996.
Theo VOV, đây là đạo luật nhằm trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của Iran và răn đe việc nước Cộng hòa Hồi giáo này theo đuổi tham vọng hạt nhân.
Động thái này của Mỹ có thể đẩy quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục sẽ phải đối mặt với những sóng gió mới.
Nhà máy hạt nhân Arak của Iran. |
Trước đó, TTXVN đưa tin, hồi tháng 11/2016, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này với tỉ lệ gần như tuyệt đối. Các cố vấn của Quốc hội bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Obama sẽ đặt bút ký ngay sau khi nhận được văn bản về dự luật này.
ISA được thông qua lần đầu vào năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. ISA sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay nếu không được gia hạn.
Nhà Trắng đã không thúc đẩy việc gia hạn nhưng cũng không gia tăng sự phản đối mạnh mẽ hơn. Các thành viên của quốc hội và quan chức chính quyền cho rằng sự gia hạn ISA không vi phạm thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng phản đối Mỹ tiếp tục gia hạn ISA và cho rằng động thái này hoàn toàn trái với thỏa thuận hạt nhân JCPOA, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước đây và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 1/2016 sau khi nước này và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đạt được JCPOA. Tuy nhiên, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donal Trump đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) ký hồi tháng 7/2015. Ông Trump coi văn kiện này là một "thảm họa", đồng thời đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này nếu ông đắc cử.
Ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama sẽ duy trì JCPOA. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định không thể đảm bảo tương lai văn kiện này dưới thời chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Trump.
Ðiều I, Khoản 7, Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ Mỗi dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trở thành luật đều phải đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ ký nhận, nếu không Tổng thống sẽ trả lại Viện đưa ra dự luật đó cùng với ý kiến không tán thành. Viện này sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành trong nội san và tiến hành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó đồng ý thông qua dự luật, thì nó sẽ được gửi cho Viện kia, kèm theo ý kiến không tán thành. Và Viện đó cũng sẽ xem xét. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì nó sẽ trở thành một đạo luật. Nhưng trong các trường hợp này, phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành hay không tán thành. Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật sẽ được đưa vào nội san của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 10 ngày (không kể chủ nhật) sau khi đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, coi như Tổng thống đã ký phê chuẩn, trừ trường hợp Quốc hội đang không nhóm họp nên Tổng thống không thể gửi trả lại cho Quốc hội được và trong trường hợp đó thì dự luật sẽ không trở thành luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://www.unodc.org |
(Tổng hợp)