Ngày 3/4, Quốc hội Malaysia đã thông qua các cải cách pháp lý sâu rộng, bao gồm xóa bỏ án tử hình bắt buộc, giảm số tội danh có thể bị tử hình và bãi bỏ án tù chung thân suốt đời.
Một cuộc họp của quốc hội Malaysia. Ảnh: CNA
Thứ trưởng phụ trách Luật pháp và Cải cách thể chế thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Ramkarpal Singh cho biết án tử hình là hình phạt không thể đảo ngược và không phải là biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả.
Theo các sửa đổi vừa được thông qua, các lựa chọn thay thế án tử hình bao gồm đánh roi và phạt tù từ 30 - 40 năm. Thời hạn tù này cũng sẽ áp dụng với tất cả các trường hợp trước đây áp dụng án chung thân suốt đời. Án tù chung thân có thời hạn, được luật pháp Malaysia quy định với thời hạn cố định 30 năm, sẽ được giữ nguyên.
Các sửa đổi được thông qua áp dụng cho 34 tội danh có thể bị tử hình theo pháp luật Malaysia, bao gồm giết người và buôn bán ma túy. Đồng thời, án tử hình cũng sẽ được loại bỏ đối với một số tội nghiêm trọng không dẫn đến chết người như buôn bán vũ khí, bắt cóc.
Dự luật được thông qua sau cuộc bỏ phiếu dài hai giờ đồng hồ. Các nghị sĩ đối lập phản đối động thái này, nói rằng nó cướp đi công lý của các nạn nhân.
"Thật không công bằng khi loại bỏ án tử hình bắt buộc đối với các tội lớn như giết người, vì gia đình các nạn nhân muốn đòi công lý cho người thân", nghị sĩ đối lập Mas Ermieyati Samsudin phản đối.
Chính phủ Malaysia lần đầu tiên cam kết bãi bỏ án tử hình trong hệ thống pháp luật vào năm 2018. Tuy nhiên, sau khi phải đối mặt với áp lực từ các đảng khác, chính phủ Malaysia đã rút lại cam kết và cho biết sẽ giữ nguyên án tử hình, nhưng cho phép các tòa án thay thế bản án này bằng các hình phạt khác.
Theo tờ Malay Mail, để trở thành luật, dự luật trên phải được thượng viện Malaysia thông qua và được quốc vương nước này phê chuẩn.
Mộc Miên (T/h)