Philippines thiệt hại nặng do bão Trà Mi
Theo chuyên gia khí tượng quốc gia Philippines Jofren Habaluyas, bão Trà Mi đã gây ra lượng mưa hơn 391 mm trút xuống tỉnh Batangas, phía nam Manila, trong hai ngày 24 và 25/10.
Hậu quả, nhiều làng mạc bị nhấn chìm, ít nhất 66 người thiệt mạng, một số khu vực vẫn bị cô lập.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho hay lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận nhiều khu vực đang chìm trong nước lũ, đặc biệt là Bicol. Đất bão hòa nước mưa đã gây ra lở đất tại những vùng trước đây chưa từng sạt lở.
Cơn bão Trà Mi đổ bộ vào Philippines gây ngập lụt nhiều nơi. Ảnh: Reuters.
"Nhiều người vẫn mắc kẹt trên mái nhà chờ cứu hộ", ông Andre Dizon, giám đốc cảnh sát vùng Bicol, khu vực bị bão ảnh hưởng nghiêm trọng, cho biết. "Chúng tôi hy vọng lũ sẽ rút hôm nay vì trời đã tạnh mưa".
Ông Dizon nói thêm rằng tình trạng thiếu xuồng cao su cứu hộ đang là "thách thức lớn nhất" song cũng đề cập rằng vật tư hỗ trợ đang được gửi đến những khu vực bị ảnh hưởng.
Kể cả khi bão Trà Mi đã di chuyển ra biển, hàng chục nghìn người vẫn phải tiếp tục di dời do tác động của lũ lụt sau đợt mưa lớn kéo dài, theo CNA.
Giới chức Philippines cho biết hơn 2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, bao gồm 75.400 cư phải sơ tán khỏi nơi cư trú. Mỗi năm, Philippines đón khoảng 20 cơn bão. Vào năm 2013, bão Hải Yến, một trong những cơn bão nhiệt đới được ghi nhận mạnh nhất trên thế giới, đã khiến hơn 7.300 người chết hoặc mất tích và san phẳng nhiều làng mạc, đô thị.
Cơn bão đã di chuyển ra Biển Đông, tuy nhiên, cơ quan dự báo thời tiết Philippines cảnh báo bão Trà Mi có thể quay trở lại vào tuần tới với các hình thái thời tiết gồm mưa to, gió lớn.
Hai kịch bản với bão Trà Mi
Dự báo hướng di chuyển của bão số 6 Trà Mi. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Tại Việt Nam, trước tình hình bão Trà Mi mạnh lên, chiều 25/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện có hai kịch bản xảy ra đối với bão Trà Mi. Kịch bản thứ nhất (khoảng 60%) là khi bão vào đến khu vực quần đảo Hoàng Sa có xu hướng di chuyển chậm lại, cường độ yếu dần do bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đẩy bão xuống phía Nam.
Sau đó bão Trà Mi có khả năng suy yếu còn khoảng cấp 7-8, di chuyển ra phía ngoài và duy trì tương đối lâu dẫn đến trên khu vực Giữa và Nam biển Đông hình thành một dải hội tụ nhiệt đới gây mưa kéo dài cho khu vực Trung Bộ.
Kịch bản thứ hai ít khả năng hơn (khoảng 30%), khi bão vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, dù suy yếu do ảnh hưởng bộ phận không khí lạnh nhưng bão tiếp tục di chuyển vào bờ và suy yếu trên khu vực đất liền của Việt Nam.
Ông Lâm nhấn mạnh: “Cả 2 kịch bản đều dẫn đến mưa lớn tại Trung Trung Bộ".