(ĐSPL) - “Nga-Mỹ không phải sẽ cùng nhau tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà thậm chí là đi thẳng tới một cuộc xung đột công khai trên toàn cầu”. CNN dẫn lời cảnh báo thận trọng của giới quan sát trong thời điểm quan hệ hai nước được cho là “căng như dây đàn”, sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria chính thức mang tên sụp đổ.
Nga-Mỹ có quan hệ ở mức “chạm đáy”
Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục suy giảm mạnh trong bối cảnh một loạt những cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau và bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, từ các hoạt động cạnh tranh quân sự ở Syria, vấn đề Đông Âu và mới nhất là những lùm xùm về việc Moscow bị cáo buộc tấn công vào cuộc bầu cử Mỹ, chi phối nền chính trị của quốc gia này.
Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ-Nga lại có nguy cơ nổ ra xung đột. |
Tuần trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest thông tin: Mỹ đang xem xét một phản ứng "tỷ lệ thuận" với những tổn hại mà nước này phải gánh chịu từ việc tin tặc Nga tấn công vào các nhóm chính trị Mỹ. Tuyên bố cứng rắn từ Washington càng được thể hiện mạnh mẽ hơn sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria sụp đổ. Các quan chức Mỹ còn kêu gọi Nga cần phải bị điều tra về cái gọi là "tội ác chiến tranh" gây ra ở Syria.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây dưới sự dẫn đầu của Mỹ áp đặt vào Moscow tiếp tục được siết chặt khiến nền kinh tế Nga lao đao do giá dầu giảm mạnh. Mỹ cũng bị cáo buộc đã cố tình phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn khi công khai tấn công vào lực lượng quân Chính phủ ở Syria vốn được Nga hậu thuẫn.
Đáp trả lại sự gây hấn từ phương Tây, Tổng thống Putin đã đình chỉ một phần trong hiệp ước an ninh hạt nhân với Washington, như một động thái cảnh báo ngầm cho một cuộc xung đột mà Nga sẵn sàng chơi nó đến cùng. Ngoài ra, Nga tiếp tục triển khai tổ hợp tên lửa Iskander- M đã được triển khai tới Kaliningrad, sát biên giới với NATO ở châu Âu. Tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía đông Ba Lan và có thể vươn tới cả lãnh thổ của Đức.
Ở Syria, Moscow đang hỗ trợ cho chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad chống lại phe nổi dậy được hậu thuẫn bởi phương Tây. Ở đó, Nga đã triển khai tổ hợp tên lửa S-300 chống máy bay tiên tiến. Nếu Mỹ và máy bay đồng minh một lần nữa tấn công quân sự ở Syria giống như từng làm vài tuần trước, Nga sẽ không ngại ngần bắn hạ.
Tại mặt trận châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ vốn được triển khai với các đồng minh ở khu vực này trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ. Nhưng, các tranh chấp về lãnh thổ gần đây, đặc biệt là trên Biển Hoa Đông đã khiến mọi thứ nóng dần lên. RIMPAC - cuộc tập trận định kỳ do Mỹ tổ chức ở Thái Bình Dương năm nay được cho là có quy mô lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 26 quốc gia - số lượng lớn nhất từ trước tới nay, cùng hơn 40 tàu chiến và tàu ngầm, 200 máy bay và 25.000 quân nhân. Về phía ngược lại, Nga và Trung Quốc cũng có cho mình cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong năm với những bài tập chiếm đảo được cho là nhắm vào nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Diễn biến hiện tại trong quan hệ Nga- Mỹ cũng sẽ rất khó lường khi việc ai sẽ là người thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây. Ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton, người đang dẫn đầu nhiều cuộc thăm dò gần đây là người có khả năng cao nhất, nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ lại vốn được xem là nhân vật chống Nga kịch liệt.
Không chỉ là người đứng đầu Nhà Trắng, thế giới cũng đang chờ đợi xem ai sẽ là Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ năm sau. Giới chức Quân đội Mỹ luôn có tư tưởng cứng rắn hơn các nhà ngoại giao và có tầm ảnh hưởng lớn ở chính trường Mỹ.
Xung đột cận kề?
Giới phân tích đều có chung nhận định, đây là thời điểm lạnh giá nhất của mối quan hệ Nga-Mỹ trong hơn hai thập kỷ qua và hoàn toàn có thể nổ ra một cuộc xung đột lớn. “Rõ ràng, trên bàn hội nghị của Washington, Moscow và Bắc Kinh lúc này không còn tâm trạng cho trà và bánh, mà thay vào đó là súng ống, vũ khí đã được chuẩn bị sẵn sàng”, Ricardo Saludo từ đại học Hành chính và Quản trị Quốc gia (NCPAG) và là cựu Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Dân sự Philippines nhận định.
Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô (cũ) đã phải một lần nữa ra mặt vào tuần trước để kêu gọi hai nước cần phải có những cuộc đối thoại trước khi căng thẳng leo thang đỉnh điểm. "Trên thực tế, nó không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh," Igor Zevelev, cựu Giám đốc quỹ MacArthur Foundation tại Nga nhận định một cách lo lắng: "Đây là một tình huống nguy hiểm hơn nhiều và không thể đoán trước".
"Chất lượng mối quan hệ giữa chúng tôi chắc chắn là ở điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh", Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Mỹ lo ngại. "Các tính toán sai lầm từ Mỹ đã gia tăng, đặc biệt là việc lực lượng NATO "được triển khai bên cạnh biên giới của chúng tôi," Kislyak phát biểu tại trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Johns Hopkins. Đại sứ hé lộ: "Kênh liên lạc thường xuyên đã bị đóng băng giữa Mỹ và Nga. Chúng tôi nhìn thấy Washington đang thực hiện các bước không thân thiện đối với Nga trong đó có biện pháp trừng phạt và cô lập Nga. Điều này đã khiến Moscow phải thể hiện sự cứng rắn của mình”.
Cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga đang leo thang một cách chậm rãi và vẫn còn thời gian để hai bên tìm được tiếng nói chung để dừng lại trước khi quá muộn. Tuy nhiên theo giới quan sát, chiến lược toàn cầu của Nga sẽ không dừng lại, trừ khi chính Mỹ là bên chủ động trước. Tổng thống Putin đang "thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới", Zevelev, một chuyên gia thuộc trung tâm Wilson (Mỹ) nhận xét. Nhà lãnh đạo Moscow muốn giới hạn vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, cân bằng lại cán cân đang có độ nghiêng về phía Mỹ; và cho thấy, Nga có đủ tiềm năng về quân sự để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại.
"Đây là một cuộc xung đột, không còn gì có thể nghi ngờ", Matthew Rojansky, Giám đốc viện Kennan tại trung tâm Wilson nhận định về thế đối đầu Mỹ- Nga. Giới phân tích cho rằng, những hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây đang khiến thế giới lo ngại về những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra. Thứ nhất, việc Nga và Mỹ quay lưng lại với trong vấn đề Syria sẽ khiến cuộc khủng hoảng Syria ngày càng trở nên trầm trọng.
Thứ hai, việc Nga-Mỹ ngừng hợp tác sẽ khiến việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết các vấn đề quốc tế “nóng” toàn cầu đổ vỡ, trong đó sẽ có một chuỗi khủng hoảng trải dài từ châu Âu cho đến châu Á, từ mặt đất cho đến vùng biển.
MẠNH KIÊN (CNN, Reuters)
[mecloud]q9WgH3i18f[/mecloud]