Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan gặp nhiều sóng gió trong thời gian gần đây, tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán căng thẳng sẽ sớm dịu xuống vì 2 quốc gia không thể “lạnh mặt”.
Lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump
Đã có một khoảng thời gian vào những năm 1960, Pakistan được gọi là "đồng minh thân cận nhất của Mỹ" vì gia nhập vào một số tổ chức quốc phòng đa phương như SEATO và CENTO do Mỹ lãnh đạo. Washington vẫn coi Pakistan là "đồng minh không phải NATO". Đây là một vinh dự được Mỹ trao đi vào năm 2004, phần lớn là để đáp lại sự ủng hộ của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đối với cuộc tấn công Afghanistan của Washington sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Tổng thống Mỹ chỉ trích Pakistan. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter vào ngày đầu năm mới 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Pakistan gay gắt. Ông Trump tuyên bố: "Mỹ đã dại dột khi viện trợ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD trong 15 năm qua để đổi lại, không có gì ngoài sự dối trá và lừa đảo. Họ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc. Họ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn tìm ở Afghanistan. Không thể tiếp tục như vậy nữa!".
Lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau khi chính phủ của ông để lộ thông tin rằng họ đang có kế hoạch từ chối viện trợ 255 triệu USD cho Islamabad. Ngoài ra, trước đó Washington cũng đang đóng băng gần như toàn bộ viện trợ an ninh lên tới 1,3 tỉ USD mỗi năm cho Pakistan. Mỹ đã từng đe dọa Pakistan như vậy, theo định kỳ, đặc biệt là vào tháng 7/2011 - 2 tháng sau vụ ám sát Osama bin Laden. Lúc ấy, chính quyền cựu Tổng thống Barrack Obama cũng không thành công trong việc thay đổi chính sách của Pakistan đối với Afghanistan và sự ủng hộ của họ đối với các nhóm mà Mỹ gọi là khủng bố.
Islamabad đã tiến hành công việc bình thường và cuối cùng Washington đã buộc phải tuân thủ những hằng số mới trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Pakistan.
Quan hệ ràng buộc
Mỹ và Pakistan bắt đầu quan hệ đồng minh từ những năm 1950. Ảnh: Daily Times |
Các chính quyền liên tiếp của Mỹ không thể buộc Pakistan phải thay đổi hướng chính sách đối ngoại, mặc dù viện trợ hàng tỷ USD mỗi năm là do các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của 2 nước rất khác nhau và thường xuyên ngược nhau. Cho đến cuối những năm 1980, mục tiêu chính của Mỹ ở Nam Á và Tây Nam Á là phản đối hoạt động, ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết tại khu vực Ấn Độ Dương. Các liên minh được hình thành với ý định đẩy Liên Xô ra khỏi các quốc gia mà họ đã gây ảnh hưởng.
Vào đầu năm 1950, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nhận định rằng Pakistan là một tài sản quân sự và chính trị quan trọng có thể góp phần ngăn chặn Liên Xô, đặc biệt là khi nước láng giềng Ấn Độ đã từ chối chấp nhận vai trò này. Do đó, Washington quyết định ký kết Hiệp ước Hỗ trợ Quốc phòng với Islamabad vào năm 1954, và sau đó để Pakistan tham gia vào các liên minh đa phương đã đề cập ở trên.
Pakistan sẵn sàng đóng vai trò được Washington giao phó, miễn là đạt được mục đích chính: "vay mượn quyền lực" từ nước ngoài để vô hiệu hóa ưu thế vượt trội của Ấn Độ tại khu vực Nam Á. Nhu cầu này trở nên đặc biệt cấp bách đối với Pakistan sau Chiến tranh Kashmir lần đầu tiên vào năm 1947-1948 với Ấn Độ.
Pakistan dựa vào Mỹ để cân bằng với Ấn Độ sau chiến tranh Kashmir lần đầu tiên. Ảnh: Getty |
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy mục tiêu thực sự của Pakistan là vào đầu những năm 1960 là khi cuộc chiến tranh Trung-Ấn nổ ra năm 1962, Pakistan quay sang hợp tác thân thiết với Trung Quốc – đất nước dần trở thành đối trọng của Mỹ ở Châu Á, để hỗ trợ Bắc Kinh hòa với New Dehli. Pakistan tiếp tục phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cho đến sau này, bất chấp khó khăn tạm thời trong mối quan hệ với Washington.
Quan hệ của Islamabad với Washington đã nguội lạnh vào những năm 1960 nhưng đến năm 1971 thì "hồi sinh" trở lại. Pakistan thúc đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách tạo điều kiện cho chuyến thăm bí mật của Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger đến Bắc Kinh. Đổi lại, Mỹ ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến với Ấn Độ vào tháng 12/1971, một phần để chứng minh cho Trung Quốc rằng có những khu vực mà lợi ích của Washington chồng lấn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, phải đến năm 1979-19880, mối quan hệ của Mỹ với Pakistan mới được trẻ hóa hoàn toàn khi Tổng thống Pakistan Zia-ul-Haq cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ cho những kẻ nổi dậy chống lại chế độ do Liên Xô hỗ trợ ở Kabul. Pakistan từ đó đã phần nào tăng cường sức mạnh quân sự của mình so với Ấn Độ.
Ngoài ra, các chính quyền tiếp theo của Mỹ vẫn luôn cố tình nhắm mắt làm ngơ các chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Pakistan được thực hiện từ những năm 1980 và chính thức thử nghiệm trong năm 1998, sau các cuộc thử hạt nhân ở Ấn Độ. Rõ ràng là trong khi Pakistan giúp Mỹ rất nhiều trong vấn đề Afghanistan để đổi lại cơ hội tăng cường năng lực quân sự, kinh tế cũng như xây dựng một kho vũ khí hạt nhân bí mật để chống lại ưu thế của Ấn Độ tại khu vực Nam Á.
Khác biệt cơ bản trong chính sách ngoại giao
Trong suốt nửa cuối của thế kỷ XX, Mỹ và Pakistan đã hợp tác về các vấn đề chiến lược bất cứ khi nào có thể, nhưng mục đích chính của hai quốc gia này luôn khác nhau về cơ bản.
Bất đồng lớn của Mỹ và Pakistan liên quan đến lực lượng khủng bố Taliban. Ảnh: Getty |
Lần đầu tiên trong lịch sử, Pakistan đã có cơ hội tự xây dựng một chính phủ thân thiện nắm quyền ở Afghanistan sau khi Liên Xô rút lui vào năm 1989. Islamabad đạt được mục đích này bằng cách cài đặt chế độ Taliban vào Afghanistan từ năm 1994. Nhưng chỉ kéo dài cho đến năm 2001. Cuối cùng, Pakistan lại bị buộc phải liên minh với Mỹ để chống lại Taliban bởi vì, theo chính Tổng thống Pakistan lúc bấy giờ, ông Musharraf thì chính quyền Tổng thống Mỹ Bush đã đe dọa sẽ ném bom, đẩy Pakistan về thời kỳ đồ đá nếu nước này không hợp tác với cuộc chiến chống lại al-Qaeda ở Mỹ và Taliban ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Pakistan chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ mong muốn có một chế độ thân thiện ở Afghanistan - hoặc ít nhất là một nước láng giềng không tham gia vào hợp tác chiến lược trong quân sự, kinh tế với Ấn Độ. Sự ủng hộ của Islamabad đối với các phe phái Taliban ở Afghanistan và các nhóm phiến quân khác như Haqqani nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Afghanistan là một phần của tính toán chiến lược này.
Đây là điều đã khiến quan hệ Pakistan và Mỹ lại trở nên căng thẳng. Theo lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì Washington viện trợ, nhượng bộ Pakistan chủ yếu vì muốn Pakistan chịu trách nhiệm về tình trạng lúng túng ở Afghanistan, cũng như tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu Taliban cùng nhóm nổi dậy khác. Tuy nhiên, đối với Pakistan, hỗ trợ Taliban và các nhóm chiến binh khác là một chiến lược mang về lợi ích rõ rệt.
Pakistan cũng đang chuyển hướng hợp tác với Trung Quốc thông qua CPEC. Ảnh: Daily Times |
Căng thẳng Mỹ - Pakistan hiện tại chỉ phản ánh những mâu thuẫn vốn có trong mối quan hệ kể từ khi nó bắt đầu vào những năm 1950. Tuy nhiên, điều này có thể không dẫn đến một sự “trở mặt” thực sự. Mỹ cần Pakistan là tuyến đường cung cấp chính cho lực lượng của mình hiện đang tham chiến ở Afghanistan. Pakistan, mặc dù có chính kiến nhưng vẫn tiếp tục phải dựa vào Mỹ vì mục tiêu sở hữu vũ khí tiên tiến để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm năng.
Đương nhiên, hợp tác và dựa vào Trung Quốc cũng là một lựa chọn cho chính phủ Pakistan. Theo C. Christine Fair, một nhà quan sát nổi tiếng thì "các quan chức Pakistan và Trung Quốc khoe rằng Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc (CPEC) sẽ giúp giải quyết vấn đề phát điện của Pakistan, tăng cường mạng lưới đường bộ và đường sắt, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc xây dựng các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, Christine Fair kết luận: “Những lợi ích này rất khó xảy ra. Pakistan sẽ phải tiếp tục dựa vào sự trợ giúp kinh tế của Mỹ để duy trì vị thế trong khu vực.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)