Không chỉ có ưu thế về cơ động, vũ khí, Su-35 còn được trang bị khả năng tấn công điện tử mạnh mẽ có thể tác động lên các hệ thống radar của Mỹ, phương Tây.
Tiêm kích đa năng Su-35. Ảnh: businessinsider.com |
Sukhoi Su-35 là máy bay chiến đấu hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh, để đối đầu với F-15 Eagle của Mỹ đang có ưu thế trên không tuyệt đối khi đó.
Nguyên mẫu đầu tiên của Su-35 được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough (Anh) và trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995.
Đặc trưng của Su-35 chính là cặp cánh phụ (canards) ở phía trước. Các nhà thiết kế phải bổ sung đôi cánh này nhằm bảo đảm lực nâng và khả năng cơ động cho máy bay, do radar và hệ thống điện tử mới nặng hơn Su-27S nguyên bản.
Do khó khăn về kinh tế sau khi Liên Xô tan rã, Nga chỉ sản xuất 15 chiếc Su-35 loại này. Một số máy bay vẫn được tận dụng để làm nền tảng thử nghiệm cho dự án tiêm kích tàng hình PAK-FA sau này.
Mẫu Su-35 hiện nay không còn cánh phụ, mang tên mã T-10BM và định danh sản phẩm Su-35S. Đây là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất dựa trên nền tảng Su-27, được thiết kế lại gần như toàn bộ.
Chiếc Su-35 đời đầu. Ảnh: AP |
Dự án này khởi động từ năm 2003, các máy bay đều được sản xuất tại Nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk-na-Amure (KnAAz), một trong ba đơn vị sản xuất máy bay cho Sukhoi. Nguyên mẫu đầu tiên ra mắt năm 2007, bay thử chuyến đầu vào ngày 19/2/2008 và sản xuất hàng loạt từ năm 2009.
So với Su-27 và Su-30, Su-35 sử dụng nhiều hơn vật liệu sợi các-bon, và hợp kim lithium-nhôm trong cấu trúc thân, các cánh đuôi vuông hơn và rộng hơn; khung máy bay phần lớn được làm bằng titan, có trọng lượng nhẹ hơn. Su-35 dùng động cơ đẩy véc tơ 3 chiều mới Saturn AL-41F1S (còn gọi 117S) sử dụng công nghệ tua-bin áp suất thấp và tua-bin cao áp tiên tiến, hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D tăng lực đẩy tổng thể 16%.
Vòi phun động cơ AL-41F1S có thể di chuyển theo các hướng khác nhau, hỗ trợ cho các cánh lái, giúp Su-35 có vòng lượn cực hẹp, có khả năng tránh tên lửa cũng như ưu thế trong chiến đấu quần vòng. Tuy nhiên, nó không có khả năng bay với tốc độ siêu âm; khi tăng tốc, vẫn phải sử dụng chế độ đốt sau. Trần bay của Su-35 là 18.000m, bằng F-15 và F-22, và cao hơn 3.500m so với F/A-18E/F Super Hornet, Rafale và F-35.
Su-35 có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn 22% so với Su-27; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35, F-16); có khả năng tăng tốc tuyệt vời và bán kính chiến đấu 1.700km không cần tiếp nhiên liệu trên không; khi mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ, tầm bay đạt 4.500km; có thiết bị tiếp nhiên liệu trên không. Không có khả năng tàng hình, nhưng nhờ điều chỉnh thiết kế cửa hút gió, vòi phun động cơ và sử dụng rộng rãi vật liệu hấp thụ sóng radar… Su-35 có tiết diện phản xạ radar (RCS) chỉ từ 1 - 3 m2.
Su-35MB được tích hợp giàn vũ khí cực mạnh. Ảnh: moddb.com |
Su-35 có 12 giá treo, mang được tổng cộng 8 tấn vũ khí, vượt trội so với 8 giá treo trên tiêm kích F-15C và F-22, hay 4 tên lửa trong thân của F-35.
Ở tầm xa, Su-35 có thể sử dụng tên lửa radar dẫn đường RVV-AE (AA-12 Adder), được cho là có tầm bắn 110-200 km. Khi cận chiến, tên lửa hồng ngoại R-73 (AA-11 Archer) có khả năng khóa mục tiêu nằm lệch 60 độ so với hướng mũi tên lửa. Kính ngắm gắn trên mũ (HMS) cho phép phi công khóa mục tiêu theo hướng nhìn, thay vì phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu.
Tên lửa R-27 tầm trung (AA-10 Alamo) và R-37 tầm cực xa (AA-13 Arrow) có thể đối phó với với máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AEW&C) và phi cơ tiếp dầu. Su-35S còn được trang bị pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm với 150 viên đạn để không chiến hoặc tấn công mặt đất.
Ngoài vũ khí đối không, Su-35S có thể sử dụng toàn bộ kho bom và tên lửa đối đất trong biên chế quân đội Nga, bao gồm nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao và uy lực như bom laser/quang truyền hình KAB-1500L/Kr, tên lửa Kh-29TE, Kh-59 hay tên lửa chống hạm Kh-31 và Kh-35.
Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90km (phần đuôi mục tiêu) và 50km (phía trước mục tiêu) mà máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy (do IRST hoạt động mà không phát ra nguồn tín hiệu nào), nhờ đó, nó có thể âm thầm bất ngờ công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm.
SU-35 bay huấn luyện. Ảnh: moddb.com |
Hệ thống hồng ngoại dò báo động tên lửa với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay bao quát mọi góc độ, có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai, tên lửa không đối không, tên lửa đất đối không trong phạm vi 10km, 30km, 50km, tương xứng. Hai cảm biến dò laser ở hai bên phần đầu của máy bay có thể phát hiện máy chiếu laser ở khoảng cách 30km. Su-35 còn được trang bị hệ thống gây nhiễu điện tử L175M Khibiny có công suất mạnh để làm nhiễu tín hiệu radar.
Hiện Su-35 có trong biên chế không quân bốn nước. Nga từng triển khai một phi đội 4 chiếc Su-35S tại căn cứ Hmeymim với nhiệm vụ tuần tra không phận, bảo vệ máy bay Nga và Syria, không kích vị trí phiến quân và lực lượng đối lập. Thực chiến tại Syria cho thấy các ưu thế và một số nhược điểm của tiêm kích Su-35, khiến Nga quyết định tiếp tục nâng cấp hoàn thiện loại máy bay này.
Sức mạnh tiêm kích Su-35 của Không quân Nga đã khiến các phi công lái F-22, F-35 của Mỹ cũng phải bày tỏ sự lo ngại, sợ sệt. Đợt cuối năm 2014, khi trao đổi về máy bay chiến đấu thế hệ mới, một quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ đã dành những lời khen “có cánh” với tiêm kích Su-35 của Không quân Nga.
Một phi công Hải quân Mỹ lái F/A-18 Super Hornet đưa ra nhận định: “Su-35 có thể thắng hầu hết các loại máy bay chiến đấu của Mỹ. Chỉ có tiêm kích tàng hình F-35 là có thể hi vọng vào tính năng tàng hình và khả năng xử lý tổng hợp của hệ thống cảm biến”.
Mộc Miên (T/h)