Ngày 14/4, tin từ Đội QLTT số 17 (QLTT Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phối hợp với Đội 7-Phòng PC03 Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra một điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Thành Phố Hà Nội.
Tại đây đoàn kiểm tra đã tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất.
Hàng trăm bình ắc quy nhãn hiệu Yamato và Kenda được đóng trong thùng carton. Ảnh: QLTTHN
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các loại mỹ phẩm làm đẹp, hàng hóa, bình ắc quy, bao gồm: 2.160 tuýp thuốc nhuộm tóc Go On loại 95g/tuýp, 648 hộp gôm xịt tóc Hard Hold Hairspray loại 600ml/hộp, 384 hộp thuốc nhuộm tóc Macadamia loại (500ml x 2)/hộp, 1.200 gói dầu gội nhuộm tóc Black Hair Shapoo loại 30ml/gói, 2.880 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 175g/hộp, 3.360 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp, 960 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp, 1.400 ống keo chuyên dùng trong xây dựng Titebond loại 296ml/ống, 600 chiếc bình ắc quy Yamato loại 12V, 1.800 chiếc bình ắc quy Kijo loại 12V 6GFM-15, 600 chiếc bình ắc quy CR7 loại 6-FD-30, 900 chiếc bình ắc quy Kenda loại 48V-30Ah, 160 chiếc bình ắc quy Yamato loại 6-DPB-15…
Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên. Ảnh: QLTTHN
Toàn bộ số hàng hóa nêu trên đều do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra, người đại diện của cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nói trên.
Ngay lập tức, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 17 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên. Hiện vụ việc đang được Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP quy định xử phạt Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa.
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa.
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.…
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, tại Khoản 13, Điều 21, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Chính Phủ khẳng định sẽ phạt tiền gấp đôi các mức phạt trên đối với người sản xuất, nhập khẩu nếu vi phạm hành chính hay mắc phải các sai phạm quy định tại khoản này.
Thu Hà