Liên quan đến vụ việc phát hiện nhiều con dấu in chữ “Sao y bản chính”, “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, “Công chứng viên” tại Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, Công an TP.HCM khẳng định sẽ khởi tố vụ án nếu làm rõ được dấu hiệu làm giả con dấu, giấy tờ của văn phòng này.
Thanh tra Sở Tư pháp xác định đã có hơn 600 hồ sơ được chứng thực tại văn phòng Sao Bắc Đẩu. Ảnh: Dân Trí |
Hôm nay (1/10), Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM cho biết đơn vị đang điều tra về hoạt động của Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, số 229 đường Man Thiện, phường Phú Hữu, quận 9.
Theo đó, Cơ quan CSĐT khẳng định sẽ khởi tố vụ án nếu làm rõ được dấu hiệu làm giả con dấu, giấy tờ của Văn phòng công chứng này.
Trước đó, Thanh tra Sở Tư pháp đã phối hợp cùng Công an quận 9, đại diện Văn phòng công chứng quận 12 tiến hành kiểm tra hoạt động của Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu.
Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại văn phòng này có nhiều con dấu in chữ “Sao y bản chính”, “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, “Công chứng viên”.
Từ số thứ tự ghi trên các văn bản công chứng thu giữ được, Thanh tra Sở Tư pháp xác định đã có hơn 600 hồ sơ được chứng thực tại văn phòng Sao Bắc Đẩu. Những giấy tờ này đều có dấu đóng của Văn phòng công chứng quận 12 với tên công chứng viên là Nguyễn Thế Thành. Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Văn phòng công chứng quận 12 khẳng định con dấu của đơn vị vẫn để ở văn phòng và không biết công chứng viên nào tên Nguyễn Thế Thành.
Để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản khẩn cảnh báo về hoạt động của Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu. Đồng thời khuyến cáo những giấy tờ do văn phòng này chứng thực nếu giao dịch sẽ phát sinh các vấn đề pháp lý.
Con dấu có dấu hiệu làm giả của Văn phòng công chứng "rởm" Sao Bắc Đẩu. Ảng: Infonet |
Bàn về trách nhiệm trong việc để Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu tồn tại và hoạt động trong thời gian dài, trả lời trên Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Toàn, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Rõ ràng, UBND, Công an quận 9 và UBND phường, Công an phường Hiệp Phú phải có trách nhiệm đầu tiên. Họ là những người quản lý công tác địa bàn thì phải biết được sự tồn tại và hoạt động của văn phòng trên".
Thạc sĩ Lê Hải Thanh, chuyên gia về xã hội học tại TP.HCM cũng phân tích: “Trường hợp văn phòng công chứng mà mới đây bị sở Tư pháp TP.HCM phát hiện sai phạm là hết sức liều lĩnh. Họ cả gan lập luôn văn phòng giả mạo là coi thường pháp luật, đồng thời, nó cũng cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này, kể cả chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành. Rõ ràng, họ hoạt động trong thời gian dài với số lượng vụ việc nhiều. Tuy nhiên, họ đến nay mới phát hiện đó là điều hết sức bất thường, cho thấy sự kiểm tra, giám sát, phối hợp của các cơ quan chức năng là có vấn đề”.
Theo sở Tư pháp TP.HCM, hiện thành phố có gần 90 tổ chức hành nghề công chứng gồm 7 Phòng công chứng và 79 Văn phòng công chứng với khoảng 400 công chứng viên. Trong đó, cách đây mấy ngày, sở này đã trao quyết định thành lập cho 12 Văn phòng công chứng tại 13 quận, huyện. Bên cạnh đó, TP còn có 10 Văn phòng Thừa phát lại. Riêng văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp đang bị tạm đình chỉ hoạt động do có nhiều vi phạm. Theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), có hai cách để phân biệt Văn phòng công chứng thật hay giả. Thứ nhất, Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không được lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay cơ sở giao dịch khác ngoài trụ sở chính. Khi Văn phòng công chứng nào quảng bá là chi nhánh hay văn phòng đại diện của Văn phòng công chứng khác thì chắc chắn nơi này không được cấp phép. Thứ hai, theo Điều 22 Luật Công chứng năm 2014, tên của Văn phòng công chứng sẽ bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của công chứng viên hợp danh khác của văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thoả thuận. Đặt tên không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chức khác. |
Nguyễn Phượng (T/h)