Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phối hợp, rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa 4 dự án Luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

  • Hoàng Bích
(DS&PL) -

4 dự án Luật này được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp nên có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Rà soát kỹ bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất

Chiều 15/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Tại phiên họp, trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp thẩm tra sơ bộ đối với 4 dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết ban hành 4 Luật trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Về thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật đã quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đó là "Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài" và quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội về: "quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố tụng tư pháp".

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của 4 Luật. 

Đồng thời, đề nghị điều chỉnh bố cục của các dự thảo Luật theo hướng ngắn gọn, đưa các nội dung của Chương Quản lý nhà nước thành 1 điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong Chương I - Những quy định chung, tương tự như một số luật đã được Quốc hội thông qua trong thời gian vừa qua.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội)

Ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và định hướng sửa đổi các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân… để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, 4 dự án Luật này được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp nên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ quy định của các dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất, nhất là đối với một số quy định chung như: giải thích từ ngữ, nguyên tắc Tương trợ tư pháp, ngôn ngữ trong hồ sơ Tương trợ tư pháp, hợp pháp hóa lãnh sự, kinh phí, quản lý Nhà nước, hiệu lực thi hành…

4 dự án Luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

Dự án luật Dẫn độ do Bộ Công an chủ trì dự kiến gồm 5 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ.

Mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài. 

Bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, gồm 5 chương, 45 điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 01 điều và 02 quy định,

Mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự (Ảnh: Media Quốc hội).

Dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự sau khi tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủgồm 05 chương, 36 điều.

Mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật Tương trợ tư pháp dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về Tương trợ tư pháp dân sự.

Dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, mục đích của việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là hoàn thiện các quy phạm pháp luật về Tương trợ tư pháp hình sự theo hướng tách các quy phạm pháp luật về Tương trợ tư pháp hình sự ra khỏi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thành đạo luật riêng nhằm đáp ứng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. 

Bảo đảm tương thích và đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, các cam kết quốc tế của Việt Nam trong cùng lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Tương trợ tư pháp hiện hành; góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật gồm 05 chương, 45 điều; quy định các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự. 

Luật Tương trợ tư pháp về hình sự áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài.

Tin nổi bật