Cụ thể, Bộ GTVT đã thống nhất việc điều chỉnh giá vé 4 tuyến gồm: Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây theo đề nghị của VEC.
Theo đó, VEC có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết định mức giá, thời điểm điều chỉnh giá 4 tuyến cao tốc theo thẩm quyền, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và khả năng chi trả của người sử dụng, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, VEC phải công khai, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Trạm thu phí Km số 6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trước đó, VEC đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT đã có đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 4 tuyến cao tốc. Trong đó, tăng 12% so với mức giá hiện tại đối với 3 tuyến gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đối với tuyến TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC chỉ đề nghị tăng 5% để đảm bảo không vượt mức trần quy định tại Thông tư 28. Thời gian điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng 4 tuyến cao tốc dự kiến thực hiện từ tháng 1/2024.
XEM THÊM: Những nhóm học sinh nào được miễn, giảm học phí từ năm 2024?
Theo đề nghị của VEC, đối với các loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, giá vé Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi tăng từ 1.500 đồng/km lên 1.680 đồng/km. Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng/km.
Riêng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Yên Bái (4 làn xe đầy đủ, tốc độ 100km/h) tăng từ 1.500 đồng/km lên 1.680 đồng/km; còn đoạn Yên Bái - Lào Cai (chủ yếu 2 làn xe, tốc độ 80km/h) từ 1.000 đồng/CPU/km tăng lên 1.120 đồng/km.
Nguyễn Lâm