Theo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân Đàm Thị Hòa đã sống chung với hai khối u tuyến nước bọt mang tai gần 5 năm và khối u vẫn còn có dấu hiệu phát triển, gây đau vướng khó chịu khiến cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng. Bệnh nhân quyết định đi khám để điều trị.
Hình ảnh chụp 3D khối u tuyến nước bọt mang tai của bệnh nhân. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống
Bệnh nhân Hòa cho biết: “Cũng đã thăm khám nhiều nơi nhưng bác sĩ tư vấn nếu phẫu thuật loại bỏ khối u có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7”. Chính vì vậy, bệnh nhân không dám phẫu thuật loại bỏ.
ThS. BS. Nguyễn Xuân Quang - Phó khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ-Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đánh giá hai khối u tuyến nước bọt mang tai không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên với kích thước khối u hiện tại của bệnh nhân thì khá đặc biệt. Bởi khối u phát triển to và có dấu hiệu viêm nhiễm.
Qua quá trình thăm khám BS Quang cũng chỉ định tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u bởi nếu tiếp tục để u tiến triển, không chỉ làm mất tính thẩm mỹ mà còn có khả năng gây nhiễm trùng toàn thân, và u vẫn sẽ chèn ép vào dây thần kinh gây biến chứng nguy hiểm.
Sau gần 3 tiếng phẫu thuật với sự tỉ mỉ và chính xác của ekip, hai khối u tuyến nước bọt mang tai của bệnh nhân đã được nạo vét hoàn toàn.
Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện, các cơ vùng mặt của bệnh nhân hoạt động bình thường, sức khỏe phục hồi tốt, không có biến chứng.
Theo BSNT.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, u tuyến mang tai hay u tuyến nước bọt mang tai là một dạng của u tuyến nước bọt. Tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể nằm ở vùng ngoài của mặt, gần góc hàm mỗi bên. Ngoài ra còn có tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ rải rác trong khoang miệng.
U tuyến nước bọt không hiếm gặp, 80% là lành tính và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguy cơ ác tính chỉ chiếm 20%, chủ yếu gặp ở trẻ em và người từ 60 tuổi trở lên.
U tuyến mang tai hiếm khi ác tính, ước tính tỷ lệ ác tính toàn cầu chỉ 0,5-3/100.000 người mỗi năm, chiếm khoảng 5% tổng số các khối u ác tính ở đầu và cổ.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng khuyến cáo không nên sử dụng thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với tia xạ tối đa là những việc có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh.
Hiện tại vẫn chưa có phác đồ cũng như xét nghiệm cụ thể nào cho việc tầm soát u tuyến nước bọt cho dân số chung. Tuy nhiên, người dân cần khám sức khỏe tổng quát hàng năm để bác sĩ chuyên khoa (thường là bác sĩ tai mũi họng hoặc răng hàm mặt) nếu nghi ngờ bất thường sẽ đề nghị làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để đánh giá chính xác khối u.
Thùy Dung (t/h)