Chiều 15/11, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm với phần tranh luận.
Trước đó, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan đối với các tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Theo báo Người Lao Động, phiên tòa diễn ra với diễn biến bất ngờ khi chủ tọa thông báo cho luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan cần lưu ý về việc bảo vệ thân chủ, do phát sinh thêm 20 thửa đất mới liên quan đến bị cáo tại Đồng Nai.
Cụ thể, trong bản án giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM vào tháng 9, một bản án của TAND tỉnh Đồng Nai liên quan đến tài sản của bà Lan đã bị hủy. Từ đó, có hơn 20 lô đất đứng tên hai cá nhân được xác định là đại diện giúp bị cáo Lan.
Về số tài sản trên, bị cáo Lan khẳng định do bà mua bằng tiền cá nhân, không nằm trong diện kê biên của vụ án này và sẵn sàng sử dụng để khắc phục hậu quả trong vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh:PLO
Báo Thanh Niên thông tin, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ cả 3 tội danh. Theo đó, luật sư đưa ra những tình tiết giảm nhẹ mới của bị cáo là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng như: tài trợ 25 triệu liều vắc xin Covid-19, mua máy thở cho các bệnh nhân, tiếp tế thực phẩm cho người dân trong giai đoạn bị phong tỏa...
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới. Tổng cộng bị cáo Trương Mỹ Lan đã nộp 15.000 tỷ đồng (bao gồm nộp cho ngân hàng). Thân chủ của bà đã được cơ quan thi hành án dân sự xác nhận 5.500 tỷ đồng, chứ không phải là khoảng 3.000 tỷ đồng như Viện kiểm sát nêu trong phần đề nghị mức án. Tính cả những tài sản của bị cáo, thì không những bị cáo có thể khắc phục toàn bộ hậu quả mà còn dư. Ngoài ra, bị cáo còn có huân chương lao động và 31 bằng khen...
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lan) cho biết, đối với dự án khu 6A (H.Bình Chánh, TP.HCM) là tài sản thuộc một trong số 5 phương án, dự án (Windsor, 6A, Times Square, Mũi Đèn Đỏ, Chợ Vải). Các khách hàng vay được bảo đảm bằng dự án 6A đã thanh toán toàn bộ gốc lãi cho SCB. Tổng số tiền SCB đã giải ngân cho các khách hàng này là 17.660 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2022, nhóm khách hàng 6A đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ cho SCB tổng cộng hơn 24.100 tỷ đồng.
Vì vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận ý kiến của SCB, yêu cầu SCB trả lại tài sản, giấy tờ, hồ sơ pháp lý dự án 6A cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để xử lý tài sản nhằm khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên buộc bị cáo Lan là người chiếm đoạt là hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Từ đó, bị cáo Lan phải bồi hoàn hơn 673.000 tỷ đồng cho SCB, sau khi trừ các khoản nợ đã được trả bởi nhóm khách hàng không liên quan và các nghĩa vụ khác.
Theo luật sư, nguồn tiền và tài sản hiện có để khắc phục bao gồm: hơn 21.000 tỷ đồng đã nộp hoặc bị thu giữ; 172 tỷ đồng trong tài khoản phong tỏa; 520 tỷ đồng do gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp và 5.000 tỷ đồng từ việc tăng vốn điều lệ cho SCB...
Cũng theo luật sư, bị cáo Lan cũng tự nguyện sử dụng các tài sản gia tộc tích lũy hàng chục năm qua để bổ sung nếu cần thiết. Tổng giá trị tài sản và số tiền khắc phục ước tính khoảng 638.399 tỷ đồng, chưa kể các tài sản khác còn lại, theo báo Người Lao Động.