Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì hội thảo Báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội. Hội thảo được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố và có sự tham dự của lãnh đạo các sở Y tế, bệnh viện Y học cổ truyền, hội Đông y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực y, dược cổ truyền.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cho biết: "Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta diễn biến dịch phức tạp và kéo dài đã tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Cùng với ngành Y tế cả nước, các đơn vị y dược cổ truyền đã tích cực tham gia đóng góp về nhân lực, vật tư y tế, thuốc điều trị".
Theo Thứ trưởng bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực kết hợp y học hiện đại và học cổ truyền trong điều trị, phòng, chống COVID-19, đồng thời nỗ lực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nghiên cứu bệnh COVID-19. COVID-19 là một bệnh mới, vì vậy trong thời gian qua, đội ngũ y bác sỹ, các nhà nghiên cứu khoa học vừa tìm tòi các biện pháp vừa để điều trị bệnh, vừa để phòng, chống dịch.
"Chúng ta đều biết, với đặc điểm bệnh nhân nhiễm SAR-COVID-2, giai đoạn đầu ít có biểu hiện triệu chứng hoặc không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, giai đoạn này, việc sử dụng y học cổ truyền với mục tiêu tăng cường thể lực cho bệnh nhân, làm hạn chế diễn biến của bệnh nhân từ thể nhẹ sang thể nặng sẽ góp phần giảm gánh nặng cho tầng điều trị can thiệp là rất cần thiết, đây cũng là thế mạnh của y học cổ truyền nước ta cần được phát huy”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Tại hội thảo, đại diện bệnh viện Y học cổ truyền của bộ Công an đã có báo cáo chi tiết, cụ thể về quá trình sử dụng thuốc y học cổ truyền tham gia và điều trị COVID-19 có hiệu quả.
Đại diện bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bằng kinh nghiệm thực tiễn, các bác sỹ tại bệnh viện đã và đang điều trị cho những trường hợp F0 và đặc biệt các trường hợp phục hồi sau bị bệnh COVID-19 bằng y dược cổ truyền. Các phương pháp điều trị kết hợp thuốc đông dược, với các phương pháp không dùng thuốc (xoa ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ,…), chế độ ăn uống (thực dưỡng) cùng các phương pháp tập luyện để hỗ trợ điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau mắc COVID-19. Quá trình hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh trước đó. Người sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày.
PGS.TS.Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y, Dược cổ truyền chia sẻ, một số bài thuốc cổ truyền đang được các đơn vị nghiên cứu ứng dụng, bước đầu ghi nhận kết quả tốt: bệnh nhân không bị chuyển mức độ nặng, giảm nhanh các triệu chứng (ho, sốt mất vị giác, khứu giác, đỡ mệt mỏi, …).
Hội thảo là cơ hội để các đơn vị đã và đang thực hiện tốt, có hiệu quả việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19 chia sẻ kinh nghiệm, mô hình triển khai áp dụng đóng góp và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trước đó, ngày 25/9, bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 4539/QĐ-BYT về việc “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y-dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”; Công văn số 9230/BYT-YDCT ngày 29/10/2021 gửi sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”...
Hoa Vũ (T/h)