Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát huy bản sắc văn hóa ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

(DS&PL) -

Ngày 28/8/1945 đặt dấu ấn quan trọng trong trang sử ngoại giao nước nhà với sự khai sinh nền ngoại giao của nước Việt Nam mới.

Chặng đường 77 năm qua của ngành vinh dự gắn liền với những mốc son trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa đặc trưng của Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh – một trong những nhân tố tiên quyết, có tính chất nền tảng đối với việc xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hướng đến mục tiêu hoàn thành những trọng trách do Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.

Bản sắc văn hóa của một tổ chức được bắt nguồn từ lịch sử hình thành và phát triển của tập thể, quy tụ những giá trị quan trọng nhất và là niềm tự hào của mỗi thành viên. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”. Những giá trị tốt đẹp đó là sợi chỉ đỏ gắn kết, xây dựng một tập thể vững mạnh, đồng thời là điểm tựa vững chắc để mỗi cá nhân, mỗi thành viên phát huy tối đa năng lực bản thân và vượt qua khó khăn, thử thách.

Ông Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.

Lịch sử hào hùng của dân tộc và những cống hiến không ngừng nghỉ của ngành Ngoại giao đã rèn đúc nên một bản sắc riêng, thể hiện rõ nét ở mỗi thế hệ cán bộ ngoại giao, dù đang công tác ở bất kỳ cương vị nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, trong đó nổi bật là những phẩm chất Trung thành – Bản lĩnh – Trí tuệ – Sáng tạo – Đoàn kết. Đây cũng là tài sản vô hình hết sức quan trọng giúp toàn ngành và thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay nối bước cha anh, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

  1. Lòng trung thành tuyệt đối là yêu cầu tiên quyết và cũng là phẩm chất được ghi nhận đầu tiên của cán bộ ngoại giao. Trong thời chiến, mặt trận ngoại giao sát cánh cùng mặt trận quân sự triển khai hiệu quả thế trận “vừa đánh vừa đàm”, phát huy tối đa thành quả đạt được trên chiến trường. Trong thời bình, ngoại giao đóng vai trò là lực lượng tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ ngoại giao phải tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại từng dặn dò “Phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ, lợi ích của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, lợi ích của sự nghiệp giải phóng ở miền Nam và của sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà”.

“Dân ta phải biết sử ta”, lịch sử, truyền thống chính là gốc rễ niềm tự hào của mỗi cán bộ ngoại giao khi được góp một phần công sức gìn giữ, phát huy thành quả của các thế hệ ông cha, trong đó có nhiều nhà ngoại giao kiệt xuất, đã không tiếc mồ hôi, xương máu xây dựng nên một nước Việt Nam tươi đẹp như ngày nay. Niềm tự hào đó sẽ được củng cố, chuyển hóa thành lòng trung thành của mỗi cán bộ ngoại giao khi được cống hiến, góp phần làm nên trang sử vẻ vang của đất nước, của dân tộc và của ngành.

  1. Bản lĩnh vững vàng là giá trị phổ quát của các thế hệ cán bộ ngoại giao. Lịch sử Việt Nam tự cổ chí kim đã ghi nhận nhiều tấm gương nhà ngoại giao dũng cảm, kiên cường, bất khuất trước cường quyền, bạo lực, luôn đấu tranh đến cùng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Biểu xung phong vào doanh trại địch tìm cách hoãn binh để quân dân ta có thêm thời gian chuẩn bị cho kháng chiến, Giang Văn Minh chấp nhận hy sinh để bảo vệ danh dự đất nước… hay Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh nổi tiếng với những cuộc đàm phán marathon với những đối thủ sừng sỏ tại Hội nghị Paris, góp phần tiến tới Chiến thắng mùa Xuân năm 1975.

Bản lĩnh ngoại giao Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, theo đuổi đến cùng nhiệm vụ được giao vì mục tiêu bảo vệ lợi ích của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và cuộc sống của nhân dân. Chúng ta không thể không nhắc đến tấm gương Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với tư duy đột phá, có đóng góp quan trọng trong xây dựng và ban hành Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI, góp phần phá thế bao vây, cấm vận, đưa đất nước từng bước hội nhập vào cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước chuyển chiến lược trong đường lối đối ngoại đã được Đảng ta kế thừa, phát triển và hoàn thiện.

Bản lĩnh ngoại giao được bồi đắp trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, giúp mỗi cán bộ sẵn sàng đương đầu với những thách thức, cám dỗ ngày càng nhiều trên mặt trận đối ngoại và khó khăn trong cuộc sống. Cán bộ ngoại giao cũng phải không ngừng nâng cao kiến thức, cả về nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, để có thể chủ động phát hiện kịp thời những cơ hội phát triển cho đất nước cũng như nỗ lực tham gia hiện thực hóa những cơ hội đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021: “Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

  1. Với vinh dự là người được trao quyền đại diện và bảo vệ cho uy tín, lợi ích quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế, nhà ngoại giao được quan tâm tuyển chọn, bồi dưỡng, để trở thành những người có trí tuệ, thể hiện ở trình độ học vấn cao, hiểu biết rộng, khả năng ứng biến nhanh nhạy, khôn khéo, thông thạo ngôn ngữ và tinh thần ham học hỏi.

Nếu như trong thời kỳ phong kiến, những nhà ngoại giao xuất sắc như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích … khiến cho láng giềng nể vì, tôn trọng lợi ích của Việt Nam, thì tấm gương của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cùng nhiều đại diện của nền ngoại giao hiện đại đã góp phần đáng kể nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Phát biểu tại Hội nghị ngoại giao lần thứ III, ngày 14/01/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “…Làm ngoại giao phải hiểu biết nhiều, văn hóa phải cao… Hiểu biết về ngoại giao bao hàm rộng lớn lắm. Phải biết cách làm việc và như thế thì phải học, nhất là học văn hóa, phải học nhân dân, không có cách nào khác”.

Quán triệt lời dạy của những thế hệ đi trước, ngành ngoại giao luôn coi xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác xây dựng ngành. Bên cạnh những quy định chung của Đảng và Nhà nước, Bộ luôn chủ động nghiên cứu, áp dụng những biện pháp đặc thù để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, trong đó tiêu biểu phải kể đến sáng kiến chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo được triển khai từ cuối những năm 1970 hoặc những giải pháp đào tạo từ xa như hiện nay. Bản thân mỗi cán bộ ngoại giao cũng tự giác nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, của kỹ năng mới đối với yêu cầu công việc ngày càng cao, để qua đó có kế hoạch tự rèn luyện bản thân.

Truyền thống ngành kết hợp với cố gắng không ngừng của cả hệ thống và từng cá nhân đã đem lại kết quả tích cực. Trưởng thành từ tập thể hơn 10 thành viên của ngày đầu thành lập ngành, cho đến nay Bộ Ngoại giao đã có khoảng 2.200 cán bộ công tác trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với trình độ học vấn cao, giỏi ngoại ngữ, nhiều người được đào tạo tại các cơ sở uy tín tầm quốc tế, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ là lực lượng đối ngoại nòng cốt, được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Cán bộ ngoại giao Việt Nam cũng từng bước tham gia tích cực trong các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC …, qua đó xây dựng luật chơi chung hướng đến một cộng đồng quốc tế hòa bình, hợp tác cùng phát triển, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”. Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt dược, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn luôn được Bộ quan tâm cải tiến, tìm kiếm những hướng đi, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, trong đó đẩy mạnh cử người tham gia các tổ chức quốc tế, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia, chuyên sâu đang là những nội dung được quan tâm thúc đẩy.

  1. Cùng với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện khát vọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, ngành Ngoại giao cũng đứng trước những nhiệm vụ mới khó khăn hơn, phức tạp hơn, đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác, trong cách làm, luôn tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác, đối tác, hướng đi mới phù hợp. Những nhà ngoại giao, ngoài nhiệm vụ bảo vệ danh dự, lợi ích của Việt Nam trong bang giao quốc tế, đã luôn có ý thức sáng tạo, tìm tòi, khai thác nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ phát triển đất nước. Những sứ giả như Trần Lư, Phùng Khắc Khoan, Trần Quốc Khái của thời phong kiến đã du nhập vào Việt Nam các nghề mới như vẽ sơn trang trí, dệt lụa làng Bùng, thêu, làm lọng; tư duy đột phá trong những năm 1980 đã giúp ngành ngoại giao đóng góp thiết thực trong việc xây dựng nền tảng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc nỗ lực vận động thúc đẩy ngoại giao vắc–xin trong hai năm qua là những tấm gương về tư duy sáng tạo, đổi mới để các thế hệ cán bộ ngoại giao tiếp tục học hỏi.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến chuyển nhanh chóng, khó lường, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới, cán bộ ngoại giao, với ưu thế về ngoại ngữ và khả năng tiếp cận kho tri thức của nhân loại, cần rèn giũa tư duy sắc bén, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, phát huy tối đa tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm phụng sự đất nước hiệu quả hơn. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, ngành ngoại giao phải tăng cường tìm tòi những nguồn lực mới, nhân tố mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước một cách bền vững, bao trùm, trong đó có các lĩnh vực như công nghệ cao, chuyển đổi số, môi trường, y tế, năng lượng ...

  1. Nhân tố cuối cùng và có vị trí hết sức quan trọng trong bản sắc văn hóa ngành Ngoại giao là tinh thần đoàn kết. Vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, tinh thần đoàn kết đã giúp nước ta vượt qua những sóng gió của lịch sử, bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay. Đối với Ngoại giao, bảo đảm đoàn kết càng cần thiết do với tính chất công tác mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ đều đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị chuyên môn, giữa trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, quá trình luân chuyển vị trí công tác liên tục giữa các đơn vị trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mang tính chất hết sức đặc thù của nghề, cũng cần có sự đùm bọc, thông cảm, hỗ trợ lẫn nhau.

Những đặc điểm nêu trên đã tạo ra văn hóa đoàn kết rất riêng, thể hiện ở việc các đơn vị phối hợp tác chiến, chia sẻ thông tin bất kể ngày đêm; cán bộ hỗ trợ nhau ổn định cuộc sống, bắt đầu công việc tại địa bàn, lĩnh vực mới, chăm sóc nhau những lúc ốm đau, cùng vượt qua chiến tranh, dịch bệnh để hoàn thành nhiệm vụ tại Cơ quan đại diện. “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”, có thể nói những thành tựu đáng tự hào của ngành ngoại giao trong suốt 77 năm qua không thể thiếu vai trò của tinh thần đoàn kết trong bộ máy và trong đội ngũ cán bộ, bảo đảm quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị diễn ra thông suốt, hiệu quả.

Để có thể triển khai hiệu quả những nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới, Ngoại giao phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết của ngành. Theo đó, ngành Ngoại giao cần tiếp tục quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn đoàn kết nội bộ thì mỗi người phải trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện đúng nội quy cơ quan và những điều quy định của Đảng và Nhà nước. Phải thực hiện dân chủ nội bộ, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Người phụ trách cơ quan và người phụ trách từng bộ phận phải gương mẫu mọi mặt về công tác, đạo đức, tiết kiệm, đoàn kết”. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đề xuất những cơ chế hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần cho cán bộ ngoại giao cũng cần được tiếp tục triển khai để tăng cường hơn nữa sự gắn bó giữa cán bộ với ngành.

Truyền thống 77 năm qua đã tạo lập cho ngành ngoại giao một hệ bản sắc văn hóa riêng, kết hợp nhuần nhuyễn với những bài học kế thừa từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trung thành – Bản lĩnh – Trí tuệ – Sáng tạo – Đoàn kết là những giá trị tinh túy, bền vững, đóng vai trò nền tảng của Chiến lược xây dựng và phát triển ngành đến năm 2030 - văn bản có ý nghĩa then chốt đối với định hướng phát triển của toàn ngành trong thời gian tới, hướng đến một ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nguyễn Minh Vũ

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao

Tin nổi bật