Nếu như bom BGU-39 được sử dụng thì tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel chắc chắn đã được huy động trong cuộc không kích đêm 25/12.
F-35I Adir và F-16I Sufa của Không quân Israel đã phối hợp tấn công Syria đêm 25/12. Ảnh: Getty |
Trong đêm 25/12, lực lượng Không quân Israel đã bất ngờ mở một cuộc tấn công vào các kho đạn của Quân đội chính phủ Syria (SAA) ở ngoại vi thủ đô Damascus và gây ra khá nhiều thiệt hại. Các khẩu đội tên lửa phòng không Syria bố trí xung quanh khu vực đã ngay lập tức đáp trả trên diện rộng, họ tuyên bố đã bắn hạ khá nhiều tên lửa Israel và chỉ để lọt một vài quả
Tuy nhiên điều gây bất ngờ ở đây đó là mảnh đạn được tìm thấy tại đống đổ nát sau đó không phải tên lửa hành trình Delilah như vẫn tưởng mà lại là bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II.
Khi đã tìm thấy mảnh bom GBU-39 thì gần như chắc chắn một điều đó là tiêm kích tàng hình F-35I Adir đã được huy động tham chiến, bởi vì đây là loại bom được thiết kế phù hợp với khoang vũ khí của nó.
Ngoài ra, đối tượng mang bom GBU-39 trong vụ tấn công vừa qua không thể là tiêm kích F-16I Sufa bởi chúng sẽ phải bay vào rất gần vị trí rồi mới có thể ném bom.
Hệ thống phòng không Syria trước đó cũng xác nhận tốp F-16I của Israel chỉ ở trên không phận Lebanon, thậm chí S-200 đã được phóng vào nhóm chiến đấu cơ này khiến Israel phải bắn PAC 3 lên để bảo vệ.
Mọi nghi ngờ đã được sáng tỏ khi mới đây trang Debka của Israel đã xác nhận việc Bộ Quốc phòng nước này đã tung tiêm kích F-35I Adir vào trận chiến vừa qua.
Nối tiếp nguồn tin của Debka, Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định trong vụ oanh kích hôm 25/12, tiêm kích F-35I Adir của Không quân Israel đã tham dự và đã thả tới 16 quả bom GBU-39 SDB II.
Bom lượn đường kính nhỏ GBU-39 SDB II. Ảnh: Getty |
Theo đó, đây là lần tiêm kích tàng hình F-35I Adir được huy động trên quy mô lớn nhất, những lần trước chỉ có vài chiếc F-35I tham chiến và chỉ thả vài quả GBU-39 mà thôi.
Điều này một lần nữa khẳng định sự đáng sợ của chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 này, khi chúng bay sát mục tiêu mà không hề bị mạng lưới radar cảnh báo sớm của Syria phát hiện.
Một điều nữa cần nhắc đến đó là cuộc đối đầu rất được mong chờ giữa tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel và tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM trong tay Syria vẫn chưa diễn ra.
Đây là điều khó hiểu khi vừa qua các chuyên gia Nga được cho là chịu trách nhiệm chính trong việc huấn luyện chuyển loại S-300 đã về nước, cho thấy quá trình trên đã hoàn thành.
Khả năng cao là kíp trắc thủ Syria mặc dù nhận bàn giao S-300PM nhưng chưa triển khai sẵn sàng cho hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, một nhận định khác cũng thu hút sự quan tâm đó là radar của S-300 đã bị "bịt mắt" và không thể nhận ra F-35I đã tham chiến.
Tuy nhiên, nếu Không quân Israel vẫn tiếp tục mở các cuộc oanh kích như trên thì viễn cảnh F-35I và S-300PM có màn thực chiến là điều sớm muộn cũng phải xảy ra, khi đó phần thắng thuộc về bên nào vẫn là điều chưa thể nói trước.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)