Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát hiện 6 trường hợp vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

(DS&PL) -

Ngày 13/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 trước Quốc hội.

Liên quan đến báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó thông tin về minh bạch tài sản thu nhập chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm khiến không ít người băn khoăn về con số này, cho rằng biện pháp kê khai tài sản, thu nhập chưa phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Ngày 13/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 trước Quốc hội. Trong đó, về minh bạch tài sản, thu nhập: Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập thì phát hiện được 6 trường hợp vi phạm.

Sau phần báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đọc báo cáo thẩm tra của Ủy ban. Về kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn: 1.136.902 người. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người trong số1.136.902 hồ sơ kê khai, nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017). Bà Lê Thị Nga kết luận cho thấy, biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Năm 2018 phát hiện 6 trường hợp vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập (Ảnh minh họa).

Từ những con số được nêu ra trong báo cáo này, bên hành lang Quốc hội, PV đã nghe ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thể hiện quan điểm.

Khi nghe báo cáo về những con số kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2018, đại biểu có suy nghĩ gì?

Tất cả kê khai tài sản năm 2018 có tổng 1.136.902 người đã kê khai, nhưng tiến hành xác minh thì chỉ có 44 trường hợp trong số các hồ sơ đã kê khai, như vậy số hồ sơ xác minh là quá ít. Trong số 44 hồ sơ phải xác minh đó thì đã phát hiện được 6 trường hợp kê khai không trung thực.

Tôi có tính tỷ lệ, nếu tính số phát hiện khai không trung thực trên tổng số kê khai thì bằng 0,00052775% (tức 6 X 100/1.136.902 = 0,00052775% -PV) là quá ít; nhưng nếu tính số phát hiện được trên số xác minh thì tỷ lệ kê khai không trung thực là 13,62% (tức là 6 X 100/ 44) thì tỷ lệ không trung thực ở đây là rất cao.

Vậy nếu tăng số hồ sơ để xác minh lên (ví dụ là khoảng trên 10% chẳng hạn), tức khoảng trên 100.000 hồ sơ kê khai, thì sẽ phát hiện được số lượng hồ sơ khai không trung thực là không hề nhỏ.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Những con số minh bạch tài sản, thu nhập được nêu ra trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó chỉ có 6 trường hợp vi phạm. Theo đại biểu, con số này đã phản ánh được đúng thực tế?

Với số lượng kê khai trên 1,1 triệu mà chỉ phát hiện được 6 trường hợp kê khai không trung thực thì là quá ít. Nhưng đó là do chỉ xác minh 44 hồ sơ! Nên về mặt thống kê thì số lượng đó là không phản ảnh được thực tế.

Đại biểu có những giải pháp nào để minh bạch thu nhập tài sản của cán bộ một cách hiệu quả hơn?

Theo tôi, đầu tiên là tăng số lượng hồ sơ xác minh lên khoảng trên 10% tổng số các hồ sơ kê khai. Với tỷ lệ trên 13% các hồ sơ xác minh có kê khai không trung thực là đủ lớn để có thể rút ra được những kết luận để yêu cầu cán bộ, đảng viên phải kê khai thật trung thực.

Tiếp theo là phải kiểm điểm thật nghiêm túc, thậm chí là kỷ luật, hoặc cho thôi chức vụ những người đã kê khai không trung thực.

Với cách làm đó thì việc kê khai mới thực sự có hiệu quả. Như vậy, biện pháp kê khai tài sản, thu nhập có phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng được hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của chúng ta. Nên làm tới cùng, không nên “đánh trống bỏ dùi” thì sẽ hiệu quả!

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thanh Lam

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật