Hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể nhằm đảm thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức đám cưới.
Việc tổ chức đám cưới đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Ảnh minh họa |
Trong vài ngày gần đây, thông tin về một nữ trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức lễ cưới cho con trai diễn ra trong 3 ngày với 4 lần tổ chức tiệc đãi khách thu hút sự quan tâm lớn từ độc giả.
Bên cạnh những ý kiến xung quanh việc tổ chức lễ cưới rình rang, nhiều độc giả đặt ra câu hỏi pháp luật quy định thế nào về việc tổ chức đám cưới.
Điều 3, Quyết định số 308/2005/QĐ-TTG quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chỉ rõ: "1. Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; 2. Các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ; lễ hỏi; xin dâu cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; 3. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc; 4. Trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; 5. Lễ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình".
Bên cạnh đó, Quyết định khuyến khích những hình thức như báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; Tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hoá... tổ chức đám cưới không hút thuốc lá ...
Đồng thời, việc tổ chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng.
Những nội dung của Quyết định 308 cũng được cụ thể hóa qua Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Theo đó, Điều 6 tại Thông tư 04 quy định: "1. Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình; 2. Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật; 3. Thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết; 4. Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí; 5. Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc; 6. Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam".
Thông tư còn khuyến khích các cặp đôi chỉ báo hỷ thay cho thiệp mời, không đãi thuốc lá trong đám cưới, chỉ tổ chức tiệc trà ngọt trong đám cưới,…
Ngoài những quy định trên, một số địa phương đã có những quy định cụ thể hơn trong việc tổ chức tiệc cưới. Theo đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 11/CT-Th.U của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn.
Theo đó, Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con, hay bản thân theo những quy định sau:
- Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”.
- Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người)
- Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc.
- Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...
- Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới theo cho việc mời dự tiệc cưới.
Thủy Tiên (T/h)