Mới đây, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc đã đưa ra phán quyết yêu cầu Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraien ngay lập tưc. Đáp lại, Điện Kremlin đã bác bỏ phán quyết này vì cho rằng ICJ không có thẩm quyền. Dưới đây là những thông tin có thể làm rõ hơn về các phán quyết của ICJ và những gì xảy ra tiếp theo.
Thẩm quyền của ICJ
ICJ chỉ xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền (trái ngược với Tòa án Hình sự Quốc tế riêng biệt, nơi xét xử các cá nhân vi phạm những điều như tội ác chiến tranh).
ICJ không tự động có quyền tài phán đối với mọi quốc gia và mọi vấn đề. Không có chính phủ toàn cầu nào có thể trao cho cơ quan này quyền lực đó. Giống như nhiều khía cạnh khác của luật quốc tế, quyền tài phán của ICJ phụ thuộc vào việc các quốc gia đưa ra sự đồng ý trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một số quốc gia đồng ý với điều này bằng cách đưa ra tuyên bố chung. Trong khi cũng có những quốc gia đồng ý với các hiệp ước cụ thể cho phép ICJ quyền quyết định các tranh chấp liên quan đến các hiệp ước đó.
Vì Nga không đưa ra tuyên bố chung nên trên thực tế, Ukraine không thể yêu cầu ICJ ra phán quyết về lập luận tự vệ của mình. Tuy nhiên, Nga lại là một bên của hiệp ước liên quan, đó là Công ước Diệt chủng - đã được Ukraine sử dụng để kéo ICJ tham gia xét xử vụ việc.
Chiến lược sáng tạo của Ukraine là cố gắng đưa vụ việc vào phạm vi quyền tài phán của ICJ bằng cách lập luận rằng Nga đang đưa ra cáo buộc sai lầm về tội diệt chủng để biện minh cho chiến dịch quân sự của họ.
Phán quyết của ICJ
Nga đã không đến phòng xử án ở The Hague cho phiên điều trần đầu tiên vào đầu tháng 3 và họ đã viết cho ICJ một bức thư nêu rõ quan điểm của mình.
Trong số 15 thẩm phán của ICJ, hầu hết tất cả đều đồng ý với phán quyết yêu cầu Nga "đình chỉ ngay lập tức" các hoạt động quân sự của mình. Tuy nhiên, chỉ có 2 người phản đối với ý kiến này là các thẩm phán quốc tịch Nga và Trung Quốc.
Tòa án Công lý Quốc tế đang phán quyết về vấn đề tại Ukraine. Ảnh: Twitter
Các phán quyết do ICJ đưa ra được gọi là phán quyết "các biện pháp tạm thời" - một phán quyết khẩn cấp được đưa ra trước khi tòa án xét xử toàn bộ vụ án. Các biện pháp tạm thời có giá trị ràng buộc. Đó là điều quan trọng. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Nga khẳng định hành động quân sự của họ là hợp pháp, thì nước này cũng đang vi phạm luật pháp quốc tế do không tuân thủ mệnh lệnh của ICJ.
Tuy nhiên, một phán quyết ràng buộc không giống như một phán quyết có hiệu lực. Vì không có chính phủ toàn cầu để trao thêm quyền lực cho ICJ, nên cũng không có cảnh sát toàn cầu để thực thi các quyết định của toà án này.
Ví dụ, vào năm 1999, ICJ đã ra lệnh cho Mỹ hoãn xử tử hình một người đàn ông quốc tịch Đức. Mặc dù tòa án xác nhận một biện pháp tạm thời như vậy là ràng buộc nhưng họ thực sự không thể ngăn chặn việc thi hành án.
Dù vậy, các quyết định của ICJ có thể đóng một vai trò tinh tế hơn. Họ định hình câu chuyện cho các quốc gia tuân thủ luật pháp và trong Liên hợp quốc.
Phán quyết này có thể giúp khuyến khích các quốc gia khác, bao gồm cả một số quốc gia mà cho đến nay vẫn đang đứng ngoài, góp phần vào các hành động như trừng phạt nền kinh tế Nga và hỗ trợ chấm dứt chiến dịch.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tất cả những gì ICJ đã làm cho đến nay chỉ là đưa ra phán quyết các biện pháp tạm thời. Toà án thậm chí còn không được kết luận rằng họ có thẩm quyền trong vụ việc hay không. Có thể sẽ mất một thời gian dài trước khi họ có phán quyết cuối cùng về toàn bộ vấn đề này.
Tuy nhiên, các phán quyết trên ám chỉ rằng ICCJ có thể tiếp nhận các lập luận của Ukraine. Toà án lưu ý rằng họ "không sở hữu bằng chứng" để hỗ trợ cáo buộc của Nga rằng Ukraine đã thực hiện hành vi diệt chủng.
Một điểm mạnh khác trong vụ việc của Ukraine là ở mọi trường hợp, không có quy tắc nào trong luật pháp quốc tế tự động trao cho một quốc gia quyền tấn công một quốc gia khác để ngăn chặn tội ác diệt chủng. Lý do là bởi điều này có thể bị lạm dụng và gây ran hiều vụ tấn công khác.
Minh Hạnh (Theo The Conversation)