(ĐSPL) - Phạm Công Danh kêu là nạn nhân của Hà Văn Thăm, do đầu tư quá nhiều tiền – đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ, cầm cố nhiều tài sản nên bị cáo Danh bị sa lầy.
Theo tin tức đăng trên VOV, trong phần trả lời thẩm vấn sáng nay, Phạm Công Danh kể giao dịch đầu tiên với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Tuy nhiên, lật lại hồ sơ, chủ tọa công bố thì ban đầu Phạm Công Danh giao dịch với Hà Văn Thắm. Thời điểm đó, cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Dương cũng muốn “mua” Ngân hàng Đại Tín.
Tuy nhiên, NHNN không đồng ý vì không có tình trạng một nhóm tư nhân sở hữu hai ngân hàng yếu kém. Thời điểm đó, Ngân hàng Đại Dương cũng là ngân hàng yếu kém. Chính vì lẽ đó, Hà Văn Thắm và bà Hứa Thị Phấn – nhóm cổ đông Phú Mỹ ở Ngân hàng Đại Tín không thể tiến hành sang nhượng cổ phần. Bị cáo Danh đã gặp Thắm rồi sau đó tiếp cận nhóm Phú Mỹ.
Phạm Công Danh trong phiên tòa xét xử sáng ngày 29/7 (Ảnh: VOV) |
Trước công bố, Phạm Công Danh bác lại. Theo cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, ông ta giao dịch với Hà Văn Thắm. Thời điểm đó, Hà Văn Thắm đã đưa người vào quản lý ngân hàng Đại Tín rồi. Việc chuyển nhượng cổ phần, ông Danh phải trả cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng và có giấy tờ biên nhận. Còn số cổ phần của nhóm Phú Mỹ, bao nhiêu tiền, cựu Chủ tịch VNCB không nhớ hết vì thời gian quá dài.
Số tiền 500 tỷ trả cho Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh khai, đó chỉ là số tiền trả cho chi phí chăm sóc khách hàng và đây không phải là con số cuối cùng.
Phạm Công Danh cho rằng khi tiếp quản ngân hàng Đại Tín thực sự “sốc” vì chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn vì có lúc lên đến 6-7\%. “Lãi suất vượt trần không đúng với quy định của NHNN”, ông Danh thừa nhận.
Tiếp tục khai, bị cáo Danh cho biết, lúc đó, chi phí chăm sóc khách hàng của các chi nhánh chưa trả đủ. Chi nhánh của NH Đại Tín yêu cầu trả vì họ phải đi vay tiền.
ề đề án tái cơ cấu, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB khẳng định do Phan Thành Mai viết. Theo đề án tái cơ cấu NH Đại Tín, ông Danh đại diện cho nhóm cổ đông mới (bao gồm 21 cổ đông trong đó có bố của Phạm Công Danh là ông Phạm Toàn).
Về nguồn tiền để tái cơ cấu NH, Phạm Công Danh tin tưởng vì lúc đó Tập đoàn Thiên Thanh đang kinh doanh tốt, quản lý nguồn bất động sản lớn. Số dư tài khoản có nhiều ở các ngân hàng trong đó riêng ở Ngân hàng Đầu tư là khoảng 1000 tỷ đồng.
Với những người trong nhóm cổ đông mới, nhiều người không có tài chính, một số người có khả năng nhưng sau khi tìm hiểu về thực trạng tại NH Đại Tín đã rút vốn không tham gia.
Theo Danh, trước thực trạng “cấp cứu đặc biệt” của Ngân hàng Đại Tín thời điểm đó, ông ta đã tính chuyện không thực hiện có cấu NH, nhưng vẫn thực hiện vì được sự động viên của Chánh thanh tra NHNN thời điểm đó. Khi chủ tọa hỏi tên vị Chánh thanh tra NHNN, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB lại nhớ không rõ.
Cựu Chủ tịch HĐQT kể, vị lãnh đạo này của NHNN cho hay không thể lập NH mới, không thể tái cơ cấu bằng nguồn tiền Nhà nước. “Lúc đó tôi tính từ bỏ, sẵn sàng mất hàng trăm tỉ đồng trước đó”, ông Danh kể.
Quay lại bối cảnh, từ sự động viên, ông Danh vẫn quyết định thực hiện tái cơ cấu NH. Ông ta tin tưởng vào nguồn lực tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh sẽ giúp việc tái cơ cấu thành công.
Ông ta cho hay không ai ép buộc mình thực hiện tái cơ cấu NH Đại Tín. Động lực để cựu Chủ tịch VNCB xắn tay vào lĩnh vực tín dụng này là “niềm tin”. Chính niềm tin của bị cáo đã khiến nhiều người phải hầu tòa, Phạm Công Danh nói giọng trăn trở.
Cũng theo Phạm Công Danh, một thực trạng mà trong đề án tái cơ cấu không bao giờ đề cập đến, đó là tiền chăm sóc khách hàng quá cao. Ông ta đề nghị, việc xem xét hành vi của mình cũng phải xem xét hoàn cảnh thời điểm đó vì NH Đại Tín đang ở tình trạng “cấp cứu đặc biệt”. Tất cả các NH thời điểm đó đều có tình trạng “đi đêm lãi suất”.
Trả lời thẩm vấn liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần gần 85\% đối với nhóm cổ đông cũ của NH Đại Tín đại diện là bà Hứa Thị Phấn (nhóm Phú Mỹ), Phạm Công Danh nhớ có một thỏa thuận nhưng nội dung thỏa thuận, ông ta không còn nhớ rõ. Số tiền nhượng cổ phần, ông ta không nhớ chính xác.
Tuy nhiên, Phạm Công Danh cho hay, ban đầu không biết nhóm Phú Mỹ mà ông ta đến với NH Đại Tín bắt đầu từ Hà Văn Thắm.
Sau nhiều lần tiếp xúc với Hà Văn Thắm, đặt vấn đề về việc xây dựng NH trong lĩnh vực xây dựng, Thắm khuyên Phạm Công Danh “làm NH mới làm gì. Tôi giới thiệu cho anh một ngân hàng”. Do đầu tư quá nhiều tiền – đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ, cầm cố nhiều tài sản nên bị cáo Danh bị sa lầy.
“Đây là nguyên nhân lớn nhất mà tôi không thể rút chân ra khỏi ngân hàng Đại Tín. “Tôi là nạn nhân của NH này”, Phạm Công Danh giọng ấm ức.
Báo Tri thức trực tuyến đăng tải, theo nội dung vụ án, trung tuần tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.
Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.190 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.
Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.
Theo cáo trạng hơn 220 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.