Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, diễn ra ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh năm học vừa qua là một năm vượt khó của ngành Giáo dục.
Tuy chịu tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục vẫn tiếp tục duy trì được thứ hạng quốc tế, đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Tính đúng, tính đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục
Đề cập đến những khó khăn của ngành Giáo dục hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành không thể quyết định được những điều kiện đảm bảo cho giáo dục như trường lớp, biên chế giáo viên và chế độ tiền lương. Cùng với đó, ngành chưa chú trọng đến công tác truyền thông trước khi ban hành chính sách nên trong quá trình thực hiện đổi mới còn gặp nhiều trở ngại; vẫn loay hoay với câu chuyện thi cử, tuyển sinh, dạy thêm, học thêm, sách tham khảo…
Chỉ đạo những việc cần làm ngay trong năm học mới 2022-2023, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục bám sát Nghị Quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới ở tất cả các khâu, đi sâu vào từng vấn đề; quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục. Việc dạy và học phải đảm bảo thực chất để phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ.
Đặc biệt, ngành Giáo dục cần rà soát, chủ động đề xuất cơ chế về học phí, thực hiện tự chủ để một số trường có thể chủ động chi được lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương của ngân sách để dùng biên chế đó cho các vùng nông thôn. Ngành cần đảm bảo đủ giáo viên và trường lớp để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi; không để tình trạng 60 học sinh/lớp, phân bổ biên chế mới được bổ sung thật tốt, đây là những việc căn bản cần làm.
Về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp đôn đốc cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để có thể thực hiện trước khi vào năm học mới. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, bổ sung các quy định về huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện trong các trường học.
Ngành Giáo dục cũng phải rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm… để kiên quyết loại bỏ tình trạng học sinh buộc phải tự nguyện “xin” đi học thêm. Đẩy mạnh chuyển đổi số, học liệu điện tử, học trực tuyến như phương pháp bổ trợ lâu dài; chú trọng bù đắp kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Về vấn đề học phí, theo Phó Thủ tướng, chi phí cho giáo dục phải tăng mới đảm bảo được chất lượng giáo dục nhưng phần đóng góp của gia đình học sinh phải theo hướng không tăng, hướng tới giảm và có thể là miễn học phí ở cấp phổ thông. Để thực hiện được việc này, ngân sách Trung ương và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, chi cho giáo dục phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ưu tiên việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực vượt bậc và những cố gắng phi thường mà toàn thể các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã làm được cùng sự cố gắng của gần 24 triệu học sinh, sinh viên đã vượt qua những khó khăn để học tập và trưởng thành trong một năm gian khó. Đồng thời, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới toàn thể các phụ huynh đã đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.
Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Theo Bộ trưởng, trong 12 tháng tới, nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11; tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương phối hợp tốt cùng ngành Giáo dục đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức, học sinh, sinh viên ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất./
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phai-dam-bao-du-truong-lop-du-giao-vien-de-thuc-hien-chuong-trinh-moi/810765.vnp