RT đưa tin, ngày 3/2, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho biết: NATO đang cân nhắc việc loại bỏ nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky khỏi quyền lực bằng cách làm mất uy tín của ông trước cuộc bầu cử có thể diễn ra vào mùa thu năm sau.
Cũng theo SVR, các quan chức phương Tây coi ông Zelensky là trở ngại chính đối với các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.
Hiện ông Zelensky vẫn tại vị mặc dù nhiệm kỳ của ông đã chính thức kết thúc vào tháng 5/2024. Ông đã từ chối từ chức và đã hoãn các cuộc bầu cử Tổng thống, viện dẫn luật thiết quân luật được áp dụng từ năm 2022 sau khi cuộc xung đột với Nga leo thang.
Giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây đang tìm cách "đóng băng" cuộc xung đột bằng cách thúc đẩy cả Moscow và Kiev tiến tới đàm phán, ông Zelensky bị coi là rào cản.
"Washington và Brussels đều đồng ý rằng trở ngại chính đối với việc thực hiện đàm phán là ông Zelensky…Ngay cả NATO cũng hiểu rằng thời của Zelensky đã hết", SVR cho biết.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: Reuters
Để giải quyết vấn đề này, khối liên minh quân sự được cho là đang chuẩn bị một chiến dịch làm mất uy tín của Zelensky trước cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của Ukraine.
Theo đó, các quan chức phương Tây có kế hoạch "công khai thông tin rằng tổng thống và nhóm thân cận của ông đã biển thủ hơn 1,5 tỷ USD từ các quỹ dùng để mua đạn dược".
Ngoài ra, kế hoạch bao gồm "vạch trần một âm mưu trong đó các khoản thanh toán dành cho 130.000 binh lính Ukraine đã hy sinh - những người vẫn được liệt kê chính thức là quân nhân đang tại ngũ - đã được ông Zelensky và các cộng sự của ông chuyển ra nước ngoài”.
SVR cũng tuyên bố rằng ông Zelensky có liên quan đến việc bán vũ khí bất hợp pháp do phương Tây cung cấp cho các nhóm vũ trang ở Châu Phi.
SVR cho rằng sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra sự không chắc chắn về sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine trong tương lai, điều này có thể đẩy nhanh nỗ lực thay thế ông Zelensky.
Theo cơ quan này, mục tiêu rộng hơn của NATO là duy trì Ukraine như một chỗ đứng để chống lại Nga, bất kể tình hình trên chiến trường như thế nào.
Cho đến nay, cả NATO và các quan chức Ukraine đều chưa phản hồi những tuyên bố của SVR.
Ukraine hiện vẫn nuôi mộng tưởng về việc gia nhập NATO. Ảnh minh họa
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngày 1/2, ông Zelensky cáo buộc Nga đang tránh các cuộc đàm phán hòa bình và nhắc lại lời kêu gọi của ông về các đảm bảo an ninh của phương Tây như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.
Tổng thống Ukraine lập luận rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ là lựa chọn "rẻ nhất" cho phương Tây.
Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình nhưng cho rằng không thể thực hiện điều này vì lệnh cấm đàm phán với Nga do ông Zelensky ban hành vào năm 2022.
Giới lãnh đạo Nga cũng khẳng định rằng việc đóng băng xung đột là không thể chấp nhận được và Ukraine không được phép gia nhập NATO. Các quan chức Nga nhấn mạnh rằng sự trung lập của Ukraine, việc rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, và đảm bảo pháp lý cho các cộng đồng nói tiếng Nga là những điều kiện cần thiết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Trong khi đó, Kiev cũng không chấp nhận kịch bản đóng băng xung đột, khi cho rằng điều này sẽ giúp Moscow "câu giờ" để hồi phục lực lượng cho một cuộc tấn công khác.