RT đưa tin, ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ukraine đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận hòa bình.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump đã trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende về việc liệu có đạt được thỏa thuận hòa bình vào thời điểm diễn ra cuộc họp năm sau hay không.
“Chà, bạn sẽ phải hỏi Nga. Ukraine đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận”, ông Trump trả lời mà không giải thích thêm.
Trước đó một ngày, ông Trump đã ra cảnh báo "nóng" về việc sẽ tăng cường trừng phạt và áp thuế đối với Nga nếu không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo vẫn khẳng định "tình yêu" của mình dành cho người dân Nga và nhấn mạnh rằng ông "không muốn làm tổn thương Nga".
Ông Trump cam kết, nếu Moscow chấp nhận đàm phán, ông "sẽ làm một việc có lợi lớn cho nền kinh tế đang suy yếu của Nga và cho Tổng thống Putin".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos. Ảnh: RT
Đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Trump, Điện Kremlin nói rằng họ "không thấy bất kỳ yếu tố mới đặc biệt nào ở đây".
Cụ thể, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không thấy "bất kỳ yếu tố đặc biệt mới nào" trong tuyên bố của ông Trump.
"Chúng tôi theo dõi kỹ lưỡng mọi động thái. Chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại, Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về điều này, đối thoại bình đẳng, đối thoại tôn trọng lẫn nhau", ông Peskov nói.
Ông Peskov cho rằng ông Trump "ủng hộ các phương pháp dựa trên lệnh trừng phạt" và trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã trở thành "tổng thống Mỹ thường xuyên sử dụng" các công cụ như vậy nhất.
Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết Moscow cần thấy rõ nội dung cụ thể trong thỏa thuận về Ukraine mà Tổng thống Trump đề xuất.
"Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề chấm dứt cuộc chiến. Trước tiên và quan trọng nhất, đây là vấn đề giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Vì vậy, chúng ta cần xem rõ khái niệm thỏa thuận theo cách hiểu của Tổng thống Trump có ý nghĩa gì", nhà ngoại giao Nga nêu rõ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố các hoạt động của quân đội Nga là phản ứng tốt nhất đối với "tối hậu thư".
"Rõ ràng là phản ứng tốt nhất đối với tối hậu thư sẽ là các hoạt động của lực lượng vũ trang của chúng ta và chiến thắng cuối cùng", ông Medvedev nhấn mạnh.
Các quan chức khác của Nga cho rằng lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Nga khiến một thỏa thuận hòa bình ít có khả năng xảy ra hơn.
Ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết xung đột Ukraine ngay sau khi nhậm chức. Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã nhiều lần hứa sẽ chấm dứt giao tranh giữa Moscow và Kiev trong vòng 24 giờ sau khi ông trở lại nhiệm sở. Tuy nhiên, ngay trước lễ nhậm chức, ông Trump đã điều chỉnh mốc thời gian để giải quyết xung đột, bày tỏ hy vọng đặt được đàm phán hòa bình trong vòng sáu tháng.
Trong những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông Mỹ đã đưa tin rằng nhóm của ông Trump đang cân nhắc một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, có thể bao gồm lệnh ngừng bắn dọc theo tiền tuyến và việc tạo ra một khu vực phi quân sự dài 1.300 km (800 dặm) do quân đội châu Âu tuần tra. Ngoài ra, Ukraine sẽ đồng ý trì hoãn nguyện vọng gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm.
Song Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích kế hoạch như vậy, nhấn mạnh Moscow không hài lòng với các đề xuất Ukraine hoãn tham vọng gia nhập NATO cũng như việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây đến Ukraine.