Hãng thông tấn Tass đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây cảnh báo rằng Nga kiên quyết phản đối việc đưa quân đội NATO vào Ukraine vì điều này sẽ khiến tình hình trở nên mất kiểm soát.
"Bất kỳ sự can thiệp nào của lực lượng NATO vào Ukraine đều có nguy cơ làm leo thang xung đột ngoài tầm kiểm soát. Kịch bản này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga. Chúng tôi đã lưu ý đến các báo cáo về kế hoạch của phương Tây nhằm triển khai quân đội của họ để ủng hộ một thỏa thuận hòa bình", bà Zakharova cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters
Bà Zakharova cũng trích dẫn một báo cáo ngày 16/1 từ phương tiện truyền thông Anh cho biết Thủ tướng nước này và tổng thống Pháp đã có một cuộc họp kín để thảo luận về việc gửi quân đội đến Ukraine "trong một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tiềm năng".
"Vào ngày 18/1, Bộ trưởng quốc phòng Đức cũng không loại trừ khả năng gửi quân đội nước này đến Ukraine để giúp bảo vệ một khu vực phi quân sự nhất định tại đó, sau khi lệnh ngừng bắn được đưa ra", bà Zakharova tiếp tục.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 13/1 cho biết ông đã trao đổi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và thảo luận về ý tưởng triển khai "đội quân" phương Tây tới Ukraine. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết về các “lực lượng đối tác” này sẽ bao gồm những gì.
Phát biểu tại một hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 21/1, ông Zelensky tiếp tục cho hay cần phải có ít nhất 200.000 binh lính châu Âu làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở mặt trận phía đông Ukraine để thực thi thỏa thuận hòa bình.
Ông Zelensky khẳng định con số 200.000 người "là mức tối thiểu, nếu không thì chẳng có nghĩa lý gì". Ông loại trừ yêu cầu của Nga về việc giảm quy mô quân đội Ukraine để đạt được thỏa thuận hòa bình đồng thời nhấn mạnh sự mất cân bằng về năng lực quân sự, lưu ý rằng Nga có thể triển khai 1,5 triệu quân so với 800.000 quân của Ukraine và 200.000 quân của Pháp.
Ukraine đã trải qua một năm khó khăn khi quân đội Nga kiểm soát từng ngôi làng một với tốc độ tiến quân nhanh hơn ở mặt trận phía Đông so với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nhanh chóng đàm phán chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Mặc dù vẫn chưa có kế hoạch chi tiết nào được đề xuất, nhưng thỏa thuận này có thể sẽ đòi hỏi sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.