Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Trần Xuân Giá và những ngày buồn không thể quên

(DS&PL) -

Mặc dù tuổi cao, mắc căn bệnh ung thư và án lơ lửng trên đầu nhưng ông Trần Xuân Giá vẫn lộ rõ một phong thái lịch lãm và một trí nhớ mẫn tiệp.

Mặc dù tuổi cao, mắc căn bệnh ung thư và án lơ lửng trên đầu nhưng ông Trần Xuân Giá vẫn lộ rõ một phong thái lịch lãm và một trí nhớ mẫn tiệp.
Những con số sống động

“Tôi đến với ACB có hai lý do. Thứ nhất, là tôi tập trung nghiên cứu và đưa ra cho được chiến lược cải tổ, hay đổi mới quản trị, điều hành của ACB để nó phát triển nhanh, vững chắc. Đó là công việc vi mô. Thứ hai, quan trọng hơn, tôi muốn nhảy vào nơi tương đối nhạy cảm để có thêm thông tin, tư liệu nhằm đóng góp thêm ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu đi làm chỉ có vậy”.

Ông Trần Xuân Giá

Trung tuần tháng 6-2005, một vụ trưởng ở Văn phòng Trung ương Đảng tìm gặp ông Giá. Phòng của ông Giá sát với phòng làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải, người đã đích thân chọn ông làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Vị vụ trưởng được ông Phan Diễn, Thường trực Ban Bí thư, yêu cầu sang gặp ông Giá để tìm hiểu về các chủ trương liên quan đến việc cho tư nhân kinh doanh vàng trước năm 1990. Ông nói với vị vụ trưởng: “Cậu xuống văn thư, lấy Văn bản 319/CT ngày 24-5-1989 lên đây, rồi tớ sẽ kể”. Nửa tiếng sau, vị vụ trưởng cầm văn bản đó lên, và không giấu nổi vẻ sửng sốt, hỏi: “Sao từng ấy năm trôi qua mà anh nhớ đến tận số, ngày, tháng như vậy?”.
Đó là một câu chuyện ít người biết. Chiều 23-5-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì phiên họp Bộ Chính trị để nghe Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười báo cáo về vấn đề cho tư nhân kinh doanh vàng.
Báo cáo này do Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Trần Xuân Giá chủ trì soạn thảo.
Vào thời điểm đó, tư nhân kinh doanh vàng vẫn đang ngoài vòng pháp luật, dù người dân vẫn sử dụng vàng để thanh toán việc mua những hàng hóa tiêu dùng như ti vi, tủ lạnh... Sau phiên họp căng thẳng kéo dài hai giờ đồng hồ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười được yêu cầu sớm ban hành văn bản cho phép tư nhân kinh doanh vàng.
Đêm hôm đó, ông Giá thức đến 2 giờ sáng để soạn xong văn bản. 4 giờ sáng liên lạc viên đến lấy về đánh máy, và đến 6 giờ 15 phút thì ông cầm văn bản tới trình ông Đỗ Mười. Ông Mười trách: “Sao chú hứa với tôi đến lúc 6 giờ mà giờ này mới đến”, song vẫn xem và sửa.
Ông Giá lại tất tả cầm văn bản đi sửa, rồi mang lại. Ông Mười ngồi nghĩ một lát, rồi nói: “Thôi, chú đánh máy lại rồi mang đến nhờ anh Sáu Dân ký”. Đến 7 giờ, ông gặp được ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Trước khi ký, ông Kiệt nói: “Anh Mười xem rồi, thì mình ký, mình không đọc lại nhé”. Cầm văn bản đó, ông Giá đến ngay văn thư lấy số công văn, đóng dấu, và yêu cầu phát hành toàn quốc ngay lập tức. Lúc đó mới chỉ là 7 giờ 15 phút sáng 24-5-1989.
Văn bản chỉ dài chưa đến trang rưỡi đó, quy định người dân được tự do kinh doanh vàng trang sức với điều kiện có năm lượng vàng ký quỹ, có thợ kim hoàn, có cửa hàng, đã hợp pháp hóa những giao dịch lén lút bằng vàng. Vô số cửa hàng vàng đã mọc lên khắp cả nước, góp phần vào việc chống lạm phát phi mã, và đặc biệt giúp khai thông một nguồn lực cực lớn trong dân. Đó là một bước tiến lớn khi đổi mới mới chỉ được phát động ba năm trước đó.
Những chi tiết trên, được ông kể lại khi đã lâm nạn, và được tôi kiểm tra lại với một số nguồn khác sau đó, cho thấy ông có một trí nhớ kỳ lạ. Song, những con số đầu tiên, những chữ cái đầu tiên, ông lại chỉ biết đến khá muộn, khi đã hơn 16 tuổi, lúc tập kết ra Bắc năm 1954.
Từ luật doanh nghiệp đến ACB
Văn bản đó, cùng với nhiều văn bản pháp luật khác, và đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã giúp đặt nền tảng cho sự hình thành của giới doanh nghiệp tư nhân vốn gần như bị xóa bỏ sau hàng loạt các “phong trào” diễn ra suốt mấy thập kỷ trước.
Ông nhớ lại: “Thông qua được Luật Doanh nghiệp, nhất là vượt qua được những bất đồng về quan điểm phát triển đã khó, đưa được luật vào cuộc sống còn khó hơn”. Năm 2000 và một vài năm sau đó, mỗi tuần một lần sau giờ làm, ông sang Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương họp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại: “Nhiều lần anh Giá đi với chúng tôi sang các bộ khác đấu tranh. Có những cuộc làm việc rất căng thẳng, mệt mỏi vì người ta muốn chống lại”. Năm 2000 mới chỉ có khoảng 14.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Con số này đã lên đến trên 80.000 mỗi năm trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Mại nói: “Luật Doanh nghiệp đã giúp đất nước này trụ vững sau khủng khoảng tài chính khu vực 1997-1998, và tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế trong hơn một thập kỷ sau đó”. Luật sư Trần Hữu Huỳnh bổ sung: “Đóng góp của anh Giá vào thành công của Luật Doanh nghiệp là rất lớn”.
Ông Giá nói: “Tôi nói thẳng, văn bản về vàng đó, cùng với Luật Công ty; Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Doanh nghiệp sau này đã huy động được một nguồn lực ghê gớm trong dân để đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiều người thất bại, nhưng có vô số thành công, trong đó không ít là các công ty lớn bây giờ”.
Đất nước có được mức phát triển kinh tế như ngày nay, không thể bỏ qua công lao to lớn của công cuộc đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế mà Luật Doanh nghiệp là một trong những biểu hiện cụ thể. Song, chính việc làm theo tinh thần của bộ luật đó, là người dân và doanh nghiệp được làm những gì “pháp luật không cấm”, thay vì chỉ được làm những gì “pháp luật cho phép”, là một trong những nguyên nhân làm ông lâm nạn sau này.
Ngày 1-1-2007, khi ông Giá nghỉ hưu ở tuổi 70, nhưng lại quyết định làm việc ở ACB, sau khi từ chối lời mời của rất nhiều nơi khác.
 Ông Trần Xuân Giá.
Ông Giá lý giải: “Tôi đến với ACB có hai lý do. Thứ nhất, là tôi tập trung nghiên cứu và đưa ra cho được chiến lược cải tổ, hay đổi mới quản trị, điều hành của ACB để nó phát triển nhanh, vững chắc. Đó là công việc vi mô. Thứ hai, quan trọng hơn, tôi muốn nhảy vào nơi tương đối nhạy cảm để có thêm thông tin, tư liệu nhằm đóng góp thêm ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu đi làm chỉ có vậy”.
Ngày 22-3-2010, ông Giá cùng ba phó chủ tịch và Tổng giám đốc ACB ký vào biên bản ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các ngân hàng khác. Để ra được quyết định này, ông kể, gần 20 lãnh đạo đã bàn bạc suốt hai tuần, cân nhắc các mặt được và các rủi ro có thể có, nhất là rủi ro pháp lý và yêu cầu Phòng Pháp chế của ACB trả lời bằng văn bản là làm thế có vi phạm quy định của Nhà nước không. Ông khẳng định: “Trong quá trình làm việc tôi luôn tuân thủ pháp luật. Tôi luôn nhắc nhở anh em là hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình thay đổi, có những chính sách đưa ra chưa đúng, thì góp ý sửa; nhưng khi chưa sửa, thì phải chấp hành. Đó là thái độ làm việc của tôi”.
Vướng vòng lao lý
Theo Cáo trạng số 10/VKSTC - V1 ngày 10-2-2014 của Viện Kiểm sát tối cao, ông Trần Xuân Giá bị quy hai tội là đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 1.406 tỉ đồng (làm tròn).
Liên quan đến chủ trương ủy thác, cáo trạng cho biết Nghị quyết của thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22-3-2010 và được thực hiện đến ngày 5-9-2011 mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác nên hành vi của ông Trần Xuân Giá đã vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền (làm tròn) 719 tỉ đồng (cáo trạng cho rằng số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt).
Cáo trạng cho rằng hành vi của ông Giá đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 165 của Bộ luật Hình sự là “Phạm tội gây thiệt hại từ một tỉ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.
Cáo trạng đề nghị: “Tuy nhiên, xét bị can Trần Xuân Giá nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, nay tuổi cao, sức khỏe yếu nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình”.
Khẳng định của ông Giá làm người viết băn khoăn. Tôi hỏi: “Vì hành vi ký biên bản họp ngày 22-3-2010 cho ủy thác, mà ông bị quy tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông giải thích như thế nào?”.
Ông Giá cho biết, thực ra, việc ủy thác cho công ty đã được ACB tiến hành từ năm 2005, trước khi ông vào làm, mà hoàn toàn đúng vì Luật Tổ chức tín dụng năm 1997, sau đó sửa đổi năm 2004 cho phép. Đến ngày 1-1-2011, Luật các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực, trong đó có điều 106 quy định về ủy thác. Đến ngày 8-3-2012, Thông tư 04 về ủy thác để hướng dẫn thi hành điều 106 nói trên mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Không đổ tội cho bất kỳ ai

Đưa tiền cho nhân viên bỏ vào ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất, có thể hành động đó không vi phạm pháp luật ở thời điểm đó nhưng xét về mặt đạo đức kinh doanh, người viết bài này vẫn thấy có gì đó lấn cấn. Bởi làm như thế, chính ông Giá và các thành viên khác đã đưa tài sản của ngân hàng vào chỗ rủi ro, đưa nhân viên vào chỗ có thể nguy hiểm và có thể phạm pháp, lại thử thách lòng tham của con người, là một điều tối kỵ trong kinh doanh...

Tôi hỏi: “Dù sao, nhiều nhân viên của ACB cũng bị vướng vào vòng lao lý. Sự trả giá này có đáng? Từng là sếp của họ, tâm trạng ông như thế nào?”.

Ông Giá nói: “Không phải bây giờ, mà cả cuộc đời làm việc, tôi luôn hành xử theo nguyên tắc: là thủ trưởng, cấp trên của nhân viên, mình phải chịu mọi trách nhiệm khi có sự việc xảy ra trong đơn vị, dứt khoát không đổ tội cho bất kỳ ai để thoát trách nhiệm của mình, đồng thời tìm mọi cách có thể để “gánh” trách nhiệm cho cấp dưới, kể cả trách nhiệm hình sự”.

Ông nói: “Trong suốt quá trình đó, Ngân hàng Nhà nước không hề có bất kỳ một văn bản nào, hay bất kỳ động thái nào yêu cầu các tổ chức tín dụng dừng các hoạt động ủy thác để chờ hướng dẫn. Vấn đề nằm ở chỗ, một bên thì bảo chưa có văn bản hướng dẫn mà ông vẫn làm là cố ý vi phạm; một bên bảo là luật không cấm thì tôi làm, còn hướng dẫn luật là công việc của người khác. Không thể nói người ta cố ý làm trái khi mà người ta không biết trước việc đó như thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn”.
Giải thích của ông là phù hợp với Bản kết luận điều tra bổ sung số 10/C46-P10 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề ngày 30-10-2013, khẳng định: “Việc ủy thác trước ngày 1-1-2011 Luật các tổ chức tín dụng không cấm...”. Ông Giá khẳng định thêm là ACB đã chấm dứt hoạt động ủy thác hơn nửa năm trước khi có Thông tư 04.
Ông Giá cho rằng, năm 2010, ACB chiếm 10,8\% tổng tiền gửi tiết kiệm của cả nước, và gặp khó khăn trong cho vay ra. Mặt khác, nhiều ngân hàng khác lại rất khó huy động vốn, nên có khó khăn về thanh khoản. “Do đó, ủy thác cho nhân viên gửi tiền là đơn giản, các ngân hàng khác cần tiền, và pháp luật không cấm. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông nói.
Những điều còn lại
Trong những cuộc trò chuyện với người viết gần đây, người từng đầy quyền lực này nhiều lúc chùng giọng. “Có lúc người ta gọi tôi đến, bảo tội trạng ông như vậy, mà ông còn kêu, ông tưởng là ông kêu rồi người ta cứu ông chăng!”. Ông kể thêm những từ ngữ khác không tiện nhắc lại, rồi bảo: “Suốt cả cuộc đời làm việc chưa bao giờ một ai, kể cả cấp cao nhất, dùng từ ngữ như thế đối với mình. Chưa bao giờ. Đấy là nỗi đau của mình”.
Chờ phiên tòa sắp tới, ông Giá nói với tôi: “Mình chuẩn bị tinh thần ngồi tù ngay từ khi bị khởi tố. Mình nói với con mình, với vợ mình, với những người thân về điều đó. Mình cũng nói với tất cả mọi người là cả cuộc đời, mình không làm điều gì sai trái để phải xấu hổ với người thân, bạn bè, và lương tâm”.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Tin nổi bật