Ngày 3/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật liên quan đến lập tòa án và bổ nhiệm các thẩm phán tại 4 vùng gồm Lugansk, Donetsk Kherson, Zaporizhzhia.
Các thẩm phán cũ tại những vùng này khi còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine có quyền được ứng tuyển vào các vị trí trong tòa án mới nhưng phải đáp ứng các điều kiện đặt ra và phải có quốc tịch Nga.
Luật cũng thiết lập thủ tục tiến hành những kỳ thi tuyển chọn cho các vị trí tư pháp ở 4 vùng trên, cũng như xác định quyền hạn của Hội đồng thẩm phán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh trên từ tháng 10/2022, sau các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, đến nay Moscow vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn 4 vùng này. Ukraine và phương Tây cũng không công nhận quyết định sáp nhập của Moscow. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, Ukraine sẽ khôi phục toàn bộ lãnh thổ, bao gồm các tỉnh trên và bán đảo Crimea.
Cũng trong ngày 3/4, ông Putin đã phê duyệt việc thành lập một quỹ đặc biệt nhằm hỗ trợ gia đình của các liệt sĩ và các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Putin lần đầu tiên công bố kế hoạch thành lập quỹ này trong Thông điệp liên bang ngày 21/2. Tổng thống nói rằng các cấu trúc của quỹ sẽ bắt đầu hoạt động ở tất cả các khu vực trong năm nay. Theo Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, quỹ này sẽ cung cấp trợ giúp pháp lý, xã hội, tâm lý và y tế, cũng như hỗ trợ tìm việc làm hoặc học hành.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong những tuần qua, quân đội Nga liên tục mở các cuộc tấn công vào loạt thành phố ở vùng Donbass, ngoài Bakhmut và Ugledar.
Ông Ian Bremmer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Chủ tịch Eurasia: "Cuộc xung đột sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều bởi vì chúng ta không chỉ nói về những gì xảy ra trên thực địa mà còn là các cuộc tấn công mạng, tấn công đường ống, hoạt động gián điệp đến cuộc chiến truyền thông".
Tính tới tháng 3, phương Tây đã hỗ trợ Ukraine hơn 135 tỷ USD, áp đặt tổng số 15 nghìn lệnh trừng phạt các loại với cá nhân, tổ chức của Nga. Trong khi Nga tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn, sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao, lâu dài. Trên quy mô toàn cầu, cuộc xung đột đã khiến thế cân bằng mong manh giữa các cường quốc thêm lung lay. Các lĩnh vực từ năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng... đều trở thành lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, đối đầu giữa các bên.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: "Chúng ta phải ngăn chặn sự leo thang hơn nữa. Chúng ta phải khuyến khích mọi nỗ lực để chấm dứt đổ máu, tạo cơ hội cho hòa bình".
Mộc Miên (T/h)