Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông nghè "nắn sông", tiến sĩ "đào đầm" để trấn yểm triệt hạ nhau

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Để triệt đường phát quan của tiến sỹ Nguyễn Danh Thế, ông nghè ở Tuy Lai đã mời thầy địa lý trấn yểm bằng đắp đê, nắn sông. Đáp lại, vị tiến sĩ cũng thuê người đào đầm để triệt đường hoạn lộ của ông nghè.

(ĐSPL)- Theo như những giai thoại truyền lại, để triệt đường học hành và phát quan của tiến sỹ Nguyễn Danh Thế, ông nghè ở Tuy Lai đã mời thầy địa lý trấn yểm bằng đắp đê, "nắn" khúc sông chảy qua làng của vị tiến sỹ này.
Đáp lại, tiến sỹ Nguyễn Danh Thế đã thuê người đào một cái đầm rộng lớn gần một mẫu ruộng Bắc Bộ để khắc chế và triệt đường học hành, phát quan nhà ông nghè ở Tuy Lai?.
Ông nghè tìm thầy khắc chế... ngài tiến sỹ?
Nằm sát con đường đê dẫn vào xã Viên Nội (huyện ứng Hòa, TP. Hà Nội) có một cây đa cổ thụ cả nghìn tuổi được người dân nơi đây xem như một minh chứng sống, dấu mốc lịch sử còn sót lại về cuộc chiến tâm linh giữa quan tướng Nguyễn Danh Thế và ông nghè xã Tuy Lai huyện bên.
Gần năm thế kỷ trôi qua nhưng tàn tích của "cuộc chiến" vẫn còn cái đầm Lai và đoạn sông bị "nắn", tuy nhiên chỉ những người cao tuổi trong làng mới được nghe câu chuyện mang màu sắc liêu trai  này.
Cụ Hồ Đức Ngân.
Theo cụ Hồ Đức Ngân (91 tuổi) được nghe các cụ kể lại, cùng làm quan trong triều nhưng xét về chức tước thì chức quan của tiến sỹ Nguyễn Danh Thế to hơn ông nghè ở xã Tuy Lai (nay thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Nhiều lần trong triều ông nghè thường bất đồng quan điểm và ghen tức trước tài năng, đức độ của quan tướng dẫn đến hai người có mối hiềm khích. Nhân lúc Nguyễn Danh Thế đi sứ nhà Minh (Trung Quốc), ông nghè Tuy Lai đã mời thầy địa lý người Tàu về làng của vị quan tướng xem thế đất để tìm cách triệt phá, hãm hại.
Gia phả dòng họ còn ghi lại, tiến sỹ Nguyễn Danh Thế là danh thần thời Lê Trung Hưng. Năm 23 tuổi, ông thi đỗ đồng tiến sỹ và ra làm quan ở Hiệu Thảo Viện Hàn lâm. Chúa Trịnh tin cậy nên đã cử Nguyễn Danh Thế làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Đi sứ về ông lại tham gia đánh tan quân Mạc, lập công dẹp loạn Trịnh Xuân và được phong Thượng thư bộ Công. Suốt 50 năm làm quan, ông từng trải qua các chức vụ quan trọng, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lễ, coi giữ kinh sử. Về tính cách Nguyễn Danh Thế là người ngay thẳng, giỏi chính trị, khi mất được phong làm Thái phó.
Sau khi xem xong thế đất, ông thầy Tàu nói với ông nghè Tuy Lai rằng mảnh đất này có vị tiến sỹ quan văn nhưng lại phát đường quan võ. Nhà vị quan này có một ngôi mộ nằm ở thế đất rất đẹp đinh long tọa khôn, đầu gối lên sao Kim, sao Thổ, mặt hướng về phía trước minh đường có sao Thổ làm án. Con đường thăng quan tiến chức của người này còn dài, đời sau còn có người tài cao, làm quan to trong triều. ông nghè Tuy Lai nghe xong nhờ thầy địa lý xem có cách gì trấn yểm, làm sao để triệt đường phát quan của danh tướng Nguyễn Danh Thế và hậu duệ của ông sau này.
 
Nhà thờ tiến sỹ Nguyễn Danh Thế.
Thực hư chuyện hưởng lộc từ thầy địa lý giả làm ăn mày
Quan tướng quân Nguyễn Danh Thế đi sứ về biết chuyện chẳng lành đã tìm cách giải trận đồ. Sau một thời gian ông cho người đào một cái đầm thật rộng lớn đến cả mẫu ruộng Bắc Bộ và đặt tên là đầm Lai cách trận đồ của ông nghè Tuy Lai gần chục cây số. Tư liệu của dòng họ còn ghi chép lại, quan tướng quân biết rằng đào đầm Lai chỉ có thể hóa giải được những tai ương, điềm xấu đến với ông, nhưng tiếc rằng các đời sau không phát được nữa. Đầm Lai cũng có tác dụng triệt đường phát quan các đời sau của ông nghè Tuy  Lai.
Cho đến nay, nhiều người dân thôn Tiền, xã Viên Nội vẫn truyền tai nhau thực hư câu chuyện thân sinh của quan tướng Nguyễn Danh Thế được một thầy địa lý đặt mộ trên mảnh đất đẹp con cháu đời đời vinh hiển, đỗ đạt.
ông Trịnh Văn Dân (62 tuổi) hằng ngày bán nước ở ngay dưới gốc cây đa ngàn tuổi, vị trí được cho là ông nghè Tuy Lai đã trấn yểm kể câu chuyện khó tin đã xảy ra hơn năm thế kỷ trước: "Tôi được nghe các cụ kể lại ngôi mộ này thiêng lắm, phía sau có con rồng vàng nằm ngang uốn khúc màu sắc đỏ tía rực rỡ, hai bên có gò đất hình quân cờ. Quan tướng trước khi chào đời, hai vị thân sinh rất tốt bụng, có tiếng thương người dù gia đình nghèo khó nhưng ai có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn tìm đến họ đều giúp đỡ. Một buổi chiều muộn khi trời đã nhá nhem tối, trời lất phất mưa lạnh, có một người đến xin ăn và ngủ qua đêm. Gia cảnh nghèo khó nhưng thân sinh quan tướng quân không mảy may suy nghĩ. Ngày hôm đấy hai vợ chồng nghèo đi làm thuê được trả công bằng mỗi người một cái bánh giày. Về nhà không ai bảo ai, cả hai vợ chồng đem cho người ăn xin. Cảm động trước tấm lòng đôn hậu của hai vợ chồng người nông dân nghèo chất phác, lúc này người ăn xin đã nói cho vợ chồng nông dân biết mình là thầy địa lý đến từ phương  Bắc".
Cũng theo ông Dân, thầy địa lý hứa sẽ tìm giúp vợ chồng người nông dân tìm một mảnh đất đẹp đặt mộ để con cháu sau này học hành giỏi giang, phát đường quan lộ, thoát cảnh bần hàn. Giữ lời hứa, đến mùa vụ cấy, thầy địa lý quay trở lại và dặn vợ chồng người nông dân vào lúc đêm khuya hãy chuyển ngôi mộ của bố mẹ đẻ hoặc ông bà nội đặt trộm vào ruộng thầy chỉ. Phải đảm bảo tuyệt đối không để ai biết mình đặt mộ trên ruộng người ta, nếu không sẽ hỏng việc. Thầy cũng dặn sau này có con, cháu làm quan to nhớ mua lại cả thửa ruộng đó để xây mộ cho đàng hoàng, các đời sau sẽ được tiếp phúc.
Sau này vợ chồng người nông dân sinh được một cậu con trai tướng mạo tuấn tú đặt tên là Nguyễn Danh Thế. ông rất thông minh và học giỏi có tiếng trong vùng. Nhà vốn nghèo, ngày lên đường đi thi Nguyễn Danh Thế chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người. Đi qua đoạn sông vắng ông xuống tắm và giặt quần áo chờ khô để hôm sau vào trường thi. Lúc lên bờ không thấy quần áo đâu, thấy có người gánh nước ông lại ngâm mình xuống nước. Người con gái của một cụ đồ trong vùng đi gánh nước thấy làm lạ về tâu với bố, có một chàng trai tuấn tú tắm rất lâu từ sáng mà không chịu lên bờ. Cụ đồ ra hỏi biết rõ sự tình, để kiểm chứng chàng trai có đi thi trạng nguyên hay không, cụ ra câu đối. Vốn học giỏi nên Nguyễn Danh Thế đáp rất hay và nhanh, cụ đồ ngợi khen và nhận định người này sẽ đỗ kỳ thi năm nay. Cụ cho chàng trai một bộ quần áo mới và một ít đồ ăn mang theo. 
Đúng như cụ đồ nhận định, tên của ông được ghi danh trên bảng vàng, ngày vinh quy bái tổ, nhớ ơn gia đình cụ đồ đã giúp đỡ, tiến sỹ quay lại tạ ơn. Mấy chục năm làm quan to, ông lập nhiều công trạng với triều đình, nơi đâu người dân bức xúc, gặp khó khăn ông đều ra tay trượng nghĩa, giúp đỡ. Bởi vậy nhiều xã trong vùng hiện nay vẫn còn tục đem lễ vật đến tạ ơn quan tướng quân và được dân tôn làm Thành hoàng làng.                                            
Hiện mộ và nhà thờ tiến sỹ Nguyễn Danh Thế được người cháu đời thứ 16 trông nom hương khói. Vì có công lao lớn với quê hương, ông được người dân tôn làm Thành hoàng làng. Đầu tháng hai âm lịch, cả làng mở hội tưng bừng, thanh niên trai tráng khoẻ mạnh trong làng được tuyển chọn khắt khe để khiêng kiệu rước ông ra đình làng chơi hội.

Danh  thơm còn mãi

Ông Kim Bùi Soạn, cán bộ văn hóa xã Viên Nội cho biết: "Những câu chuyện xoay quanh điển tích Thành hoàng làng Nguyễn Danh Thế rất nhiều, trận đồ trấn yểm cụ thể như thế nào thì không ai nắm rõ, tài liệu lịch sử có nói về trấn yểm nhưng ít. Các câu chuyện chủ yếu được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện gốc đa, đoạn sông chảy qua làng cong một đoạn và cái đầm Lai vẫn còn nhưng không được rộng như trước. Nhà thờ tiến sỹ Nguyễn Danh Thế được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, tên của ông cũng có trong bia tiến sỹ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Mộ ông được chôn ở xứ Cửa Ngõ thôn Tiền, xung quanh có cây cối tốt tươi và những ngày rằm, mùng một, người dân thường tới thắp hương cầu mong con cái học hành, thi cử, đỗ đạt cao".

 

Tin nổi bật